Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


AI, phóng viên robot: Báo chí phải tiến nhanh nếu không muốn bị mạng xã hội "vùi dập"

Hòa theo “làn sóng” cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực báo chí đã và đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ mới. Tại Việt Nam, các tòa soạn đã có nhiều thay đổi, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Hoạt động ứng dụng công nghệ mới của các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Có khả năng tiệm cận xu hướng thế giới

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm Giải pháp Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty Cổ phần Công nghệ NEKO cho biết: Trong năm qua, lãnh đạo các tòa soạn tại Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực báo chí. Nhiều tòa soạn đã rất nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả như khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả (Zing, VnExpress, Chuyên trang Thế Giới Trẻ của Báo Bưu điện Việt Nam); chat bot (Vietnamplus); hay báo nói tự động (Dân Trí, Tổ Quốc, ICTnews).

“Trên thế giới hiện nay, nhiều tòa soạn đã có "đội ngũ phóng viên robot", tự động viết bài thay phóng viên trong nhiều lĩnh vực, hoặc đưa tin bằng công nghệ thực tế ảo, cho độc giả những cảm giác bom rơi, đạn nổ ngay bên cạnh mình khi theo dõi những tin tức về xung đột vũ trang tại Syria. Tôi cho rằng, VnExpress, Zing đang có khả năng tiệm cận được với các xu hướng công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc phải làm cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam trong vấn đề đổi mới công nghệ”, ông Bùi Công Duyến nhận xét.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của báo chí truyền thông, gồm cả nhà sản xuất, sản phẩm báo chí truyền thông và các nhóm công chúng.

Điểm mặt một số xu hướng nổi bật đang diễn ra trên thế giới, có thể kể đến xu hướng các sản phẩm báo in truyền thống sẽ được thay thế bằng kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality - VR) và thực tại ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), hình thành “báo nhúng”. Ở đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả xúc giác và cảm xúc, như được tham gia đúng vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều - nơi có thể tái hiện lại sự kiện, nhân vật, âm thanh được mô phỏng lại đúng như ở hiện trường.

Một xu hướng đáng chú ý khác là ứng dụng robot viết tin tự động. Máy tự học có thể “viết” những tin đơn giản với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho nhiều đối tượng. Công nghệ cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.

Thông tin về việc phần mềm tự động viết tin tức tài chính đã được hãng thông tấn AP đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tốc độ lên tới 2.000 bản tin/giây và tiếp tục được mở rộng sang lĩnh vực khác đang khiến nhiều người cho rằng trong tương lai, công nghệ viết tin tự động sẽ cạnh tranh việc làm với phóng viên, nhà báo.

Trong bối cảnh hiện nay, các sản phẩm báo chí phải thay đổi cả về tiêu chí cũng như sự sáng tạo trong nội dung và hình thức trình bày. Thay vì những bài viết, bài phản biện các vấn đề nóng trong xã hội, những dòng bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng, cần phải tăng cường sử dụng những sản phẩm thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, các video clip livestream trên mạng xã hội, hay các bản tin rap news…

Ứng dụng AI trong báo chí

Báo Dân Trí mới đây tuyên bố đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ giọng đọc AI. Chia sẻ thêm thông tin về xu hướng ứng dụng AI trong các cơ quan báo chí tại Việt Nam, vị lãnh đạo trẻ của NEKO lưu ý: Dân Trí là một trong những tờ báo đầu tiên sử dụng công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói tiếng Việt, bên cạnh còn có Báo điện tử Tổ quốc và Chuyên trang Công nghệ ICTnews của Báo Bưu điện Việt Nam. Ngoài ra, ONECMS đang phối hợp cùng đối tác Vbee để triển khai công nghệ này trên nhiều tờ báo khác nữa. Sắp tới độc giả sẽ tiếp tục được chứng kiến nhiều tờ báo có tính năng đọc báo này.

“Công nghệ này đem đến cho các tờ báo một tính năng rất thú vị và hữu ích. Về phía tòa soạn, chúng ta không mất nhân sự để đọc từng bài báo như trước kia sau đó xử lý âm thanh qua các phần mềm xử lý âm thanh rất phức tạp và tốn chi phí. Mọi công việc liên quan đến tính năng này do hệ thống máy tính tự động xử lý, các tòa soạn có thể chỉnh sửa giọng đọc để phù hợp với nhu cầu của mình. Đối với độc giả, chúng ta không phải trực tiếp đọc báo như trước kia nữa, mà chúng ta có thể vừa nghe báo, vừa làm các công việc khác.

Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của một bức tranh xa hơn, khi mà podcast đang là xu hướng trong báo chí. Bạn thử hình dung, đến một ngày nào đó, buổi sáng khi vừa thức dậy, bước chân khỏi giường, bạn nói với chiếc loa thông minh trong nhà mình "Đọc cho tôi nghe các tin tức mới nhất trong lĩnh vực công nghệ", sau đó, bạn vừa đánh răng vừa nghe những tin tức công nghệ mới nhất trên ICTnews được phát ra từ những chiếc loa trong nhà bạn. Thật tuyệt vời có phải không?”, ông Bùi Công Duyến phân tích.

Mặc dù AI đem lại nhiều lợi ích to lớn cho lĩnh vực báo chí, song trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ này, các tòa soạn cần lưu ý một số rào cản về kỹ thuật và quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, khoảng cách giữa các báo sẽ ngày càng nới rộng. Trong khi những hãng tin lớn đang xây dựng hệ thống AI, thì những hãng tin nhỏ lại không có đủ điều kiện về tài chính và chuyên gia để làm điều đó và họ buộc phải đăng ký quyền sở hữu nội dung họ sản xuất. Nỗi lo lựa chọn việc "mua" thay vì "xây dựng" máy học đã châm ngòi cho "cuộc đua AI".

dsc 0040
Các tòa soạn sẽ cần nhiều nhân sự công nghệ thông tin chất lượng cao.

Những thách thức khi đổi mới công nghệ

Nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động ứng dụng công nghệ mới của các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chẳng hạn như thách thức về nhân sự công nghệ thông tin chất lượng cao, đối tác công nghệ thông tin phù hợp có sự hiểu biết về lĩnh vực báo chí, ngân sách dành cho công nghệ thông tin và tầm nhìn của lãnh đạo các tòa soạn về vấn đề đổi mới công nghệ…

“Đối với các báo có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin mạnh như VnExpress, Zing, họ sẽ đi rất nhanh để tiệm cận với công nghệ của các tòa soạn trên thế giới. Nhưng không phải tờ báo nào cũng có một đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin mạnh như vậy. Do đó, theo tôi, các tòa soạn nên tìm các đối tác công nghệ thông tin phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực báo chí để đồng hành cùng với tòa soạn thông qua phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, giống như cách mà nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã và đang làm”, ông Bùi Công Duyến phân tích thêm. 

Đánh giá những rào cản đối với việc làm chủ công nghệ của các nhà báo hiện nay, PGS. TS. Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh hiện trạng nhiều nhà báo, trong đó không ít nhà báo trẻ vẫn chưa biết sử dụng các phần mềm điện tử để ứng dụng trong làm báo, như: soạn thảo văn bản chuẩn, sử dụng phần mềm để xử lý hình ảnh, dựng audio, video hoặc quản trị một sản phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ, thậm chí có thể kinh doanh các sản phẩm dịch vụ trên tờ báo của mình.

“Những năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm dành cho các tòa soạn với những nội dung chính như mô hình tổ chức tòa soạn hội tụ, quy trình xử lý tin bài đa phương tiện, phương thức làm việc trong môi trường truyền thông kỹ thuật số…”, ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.

Hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan báo chí cần theo kịp xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng phải phù hợp với trình độ tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh của độc giả. Cần nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư, mua sắm trang thiết bị, tránh việc mua thiết bị xong, chưa vận hành đã lạc hậu.

Tác giả bài viết: Xuân Bách

Nguồn tin: infonet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây