"Người khổng lồ" Apple không còn mạnh ở châu Á
- Thứ năm - 22/02/2018 09:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người tiêu dùng tại Ấn Độ, Indonesia lựa chọn sản phẩm từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo hay Vivo hơn là các sản phẩm của Apple.
Apple đã thiết lập tiêu chuẩn giá mới cho smartphone cao cấp với iPhone X. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này có thể ảnh hưởng đến tương lai của hãng tại châu Á và cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc giành thị phần.
Theo Wall Street Journal, người dùng từ Ấn Độ đến Indonesia đang lựa chọn các điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc như Xiaomi - công ty được ví như "Apple của Trung Quốc" hay Oppo và Vivo - hai thương hiệu thuộc sở hữu của BBK.
Các nhà sản xuất Trung Quốc liên tục đưa ra các thiết bị cạnh tranh trực tiếp với điện thoại thông minh của Apple. Những sản phẩm này thường có tính năng cao cấp nhưng giá vẫn thấp hơn iPhone X hoặc thậm chí rẻ hơn iPhone đời cũ. Các công ty Trung Quốc cũng nhắm tới khách hàng tiềm năng của Apple bằng cách tung ra smartphone với phần cứng mạnh mẽ như vỏ kim loại, pin dung lượng cao và có các tính năng vượt iPhone như camera selfie.
"Người dùng hiện nay không chi quá nhiều tiền để mua một chiếc điện thoại đầu bảng", nhà phân tích Kiranjeet Kaur của công ty nghiên cứu thị trường IDC ở Singapore, chia sẻ. "Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện nay tự hào tung ra các sản phẩm có các tính năng cạnh tranh với những thiết bị cao cấp trên thị trường".
iPhone X và các mẫu iPhone đời cũ không phải sản phẩm phổ biến tại thị trường mới nổi. Tại châu Á, các công ty viễn thông không bán điện thoại trợ giá như tại Mỹ, tức là người dùng phải trả đầy đủ tiền để mua thiết bị. Theo IDC, smartphone tiêu biểu ở Ấn Độ và Indonesia bán ở mức dưới 200 USD, thấp hơn rất nhiều so với nhiều mẫu iPhone và rẻ hơn 1.000 USD so với iPhone X.
Nhờ bán iPhone với giá cao hơn, doanh thu của Apple ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 11% trong quý vừa qua. Tuy nhiên, thị phần của hãng hầu như không được mở rộng, thậm chí bị giảm ở hầu hết các thị trường châu Á.
Abhay Shahi, một nhà thiết kế đồ hoạ 28 tuổi tại thành phố Ludhiana (Ấn Độ), đã chuyển từ iPhone 6 sang Xiaomi Redmi Note 4. Mẫu điện thoại Trung Quốc có hầu hết các tính năng cần thiết mà giá chỉ bằng một phần năm iPhone X và vẫn rẻ hơn 100 USD so với iPhone SE "giá rẻ" ra mắt từ 2016.
"Nó có máy quét vân tay, máy ảnh khá tốt và không hề bị chậm lag", Shahi nói. "Phần mềm của nó có thể tuỳ chỉnh nhiều hơn một chiếc iPhone đắt tiền và chất lượng hoàn thiện thì như một chiếc điện thoại cao cấp".
Tại Trung Quốc, thị phần của Apple chỉ còn 8% ở thời điểm hiện tại, so với 15% đạt được hồi 2015. Trong khi đó Ấn Độ, nơi đã vượt Mỹ để trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới 2017, Apple chỉ chiếm 2% thị phần kể từ 2013. Theo hãng nghiên cứu Canalys, các lô smartphone của Apple nhập vào Ấn Độ quý trước đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, một sự sụt giảm hiếm hoi.
Thị phần smartphone của Apple (qua đường nhập khẩu chính hãng) và một số thương hiệu Trung Quốc qua các năm.
Thị trường Indonesia với 260 triệu người, thị phần của Apple giảm còn 1% so với 3% hồi 2013. "Miếng bánh" của công ty công nghệ Mỹ cũng bị thu hẹp ở Philippines và Thái Lan song giữ nguyên tại Malaysia và Việt Nam.Ở chiều ngược lại, các đối thủ của Apple tại Trung Quốc đang mở rộng lượng người dùng. Trong đó Xiaomi tăng vọt thị phần từ 3% năm 2015 lên 19% hiện nay tại Ấn Độ. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ các điện thoại giá rẻ nhưng hiện nay nhà sản xuất này bán được nhiều thiết bị đắt tiền hơn, những chiếc smartphone mang lại cảm giác và tính năng giống iPhone, thậm chí là hơn thế.
Chitra Patricia, một người Jakartan 27 tuổi, đã chọn điện thoại Oppo thay cho Apple vì tính năng selfie. "Chuyên gia selfie" Oppo F3 nổi bật với camera trước góc rộng có thể chụp ảnh nhóm (wefie). Mẫu điện thoại này còn nổi tiếng với tính năng làm đẹp da, khiến người chụp trông trẻ và đẹp hơn.
"Chiếc điện thoại này có thể chụp ảnh cho cả nhóm chục người bằng camera trước", bà Patricia nói. "Nó rất thích hợp cho các cuộc tụ tập".
Jia Mani, quản lý sản phẩm của Xiaomi Ấn Độ, cho biết Xiaomi có nhiều ưu thế ở từng thị trường vì nhà sản xuất này có thể tuỳ chỉnh cho mỗi quốc gia. Trong khi đó Apple tạo ra cùng một sản phẩm cho mọi người. Chẳng hạn Xiaomi phát triển bộ sạc đặc biệt cho smartphone của mình nhằm thích ứng với dòng điện có dao động lớn tại Ấn Độ. Hay như một số nơi có tình trạng tin nhắn rác, Xiaomi đã tuỳ chỉnh phần mềm để thêm tính năng chặn "spam".
Nhiều điện thoại của Xiaomi hỗ trợ 2 sim, cho phép khách hàng dùng cùng lúc nhiều mạng di động để thiết kiệm tiền cước, một thực tế phổ biến ở châu Á. Khách hàng cũng thích điện thoại có khe cắm thẻ nhớ hay một số model cho phép thêm nhạc và video của riêng người dùng.
Thậm chí, Xiaomi còn vừa tung ra phần mềm chụp ảnh mới cho người dùng Ấn Độ, trong đó thuật toán camera sẽ "làm đẹp tự nhiên" nhưng không xoá đi chấm đỏ trên trán hoặc nhẫn trên mũi, những nét đặc trưng của người Ấn Độ.
Wahyu Adi Setyanto, một kỹ sư công nghệ 36 tuổi ở Jakarta (Indonesia) đã bán chiếc iPhone để chuyển sang Xiaomi. "Nó có màn hình cảm ứng lớn và sáng như iPhone mà giá chỉ 210 USD", anh nói. "Mặt khác, vẻ ngoài nó trông cũng sang trọng và cảm giác như đang cầm iPhone".