Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


41 thầy giáo ở Nghệ An là “nhân vật của năm”

Con đường đến trường mà 41 thầy giáo phải vượt qua mỗi ngày.Con đường đến trường mà 41 thầy giáo phải vượt qua mỗi ngày.
Con đường đến trường mà 41 thầy giáo phải vượt qua mỗi ngày.
Trong chương trình ấn tượng VTV, 41 thầy cô giáo ở Nghệ An đã được trao giải Nhân vật của năm do khán giả bình chọn. Giữa bao nhiêu con người lộng lẫy, sự xuất hiện của hai thầy giáo khiến sân khấu lắng đọng mãi.
Mỗi bước chân, một ý chí

Những hình ảnh, những thước phim quay lại về cuộc sống của những người thầy giáo cắm bản tại trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong (Nghệ An) khiến ai xem cũng thấy nghẹn ngào, xúc động. Ở nơi ấy, tình thầy trò, yêu nghề, cắm bản là động lực vượt qua mọi gian truân.

Con đường đến trường với bao hiểm nguy rình rập, người nào người nấy mặt mũi lấm lem, có thầy còn ngã gãy cả tay, người thì mặt mũi như bị cào rách. Đoạn đường nhão nhét mùa mưa không lê nổi chân chứ chưa nói đến đi xe máy. Để đến trường, các thầy phải vượt qua 40km, chỉ có 10km đường nhựa, còn lại là đường đất khó đi.

Nhiều khi vì quá mệt, các thầy cứ một đoạn lại nghỉ lấy lại sức. Và dù ngày nắng hay ngày mưa, dù đoạn đường ấy là một thử thách lớn nhưng chưa có buổi học nào trò vắng thầy. Họ không cho phép mình nản chí bởi phía trước, sâu trong những bản người Mông, là 400 đứa học trò đang chờ đợi để được học chữ. Và tương lai của các em một phần phụ thuộc vào ý chí của các thầy.

Cũng chính vì điều kiện đi lại quá khó khăn, lại thêm cuộc sống thiếu thốn, nhiều thầy cô yêu nghề nhưng cũng không trụ lại được. Vậy mà, 41 thầy giáo đã gắn bó với 6 điểm trường đặt tại các bản của người Mông, có người 15 năm, có người 10 năm, người trẻ nhất thì đã vài năm gắn bó. Bếp ăn mưa dột, những ngày đầu tuần có thức ăn tươi nhưng cuối tuần đều phải ăn đồ khô, thậm chí còn hết lương thực vì xa thị trấn, phương tiện đi lại không thuận tiện.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp – 1 trong 41 thầy giáo cắm bản - chia sẻ: Học sinh ở đây khổ lắm, các em khổ từ khi sinh ra bởi người dân nơi đây thiếu thốn trăm bề. Nhìn học sinh đói rách, chẳng đủ ấm mỗi mùa đông đến, rồi lại lo chuyện cơm áo gạo tiền từ sớm nên chẳng đứa nào có được món quà nhân dịp lễ tết. Các em nhỏ nhận được quà nhân dịp tết trung thu, chỉ là con gấu bông mà truyền tay nhau cười vang bởi đó là lần đầu tiên các em biết đến món đồ chơi ấy.

Món quà ngày nhà giáo là nụ cười của trò

Gọi điện cho thầy Hiệp cũng như các thầy khác thật khó bởi ở bản sóng điện thoại không có. Điện thoại chỉ để ngắm ảnh vợ con, gia đình. Mỗi đêm, nhiều thầy không cầm được nước mắt khi thương học trò rồi lại thương con mình. Nhiều thầy xa nhà, xa con lâu không về, có con nhỏ còn chẳng nhớ mặt cha.

Có thầy mới lấy vợ được vài tháng lại xa nhà, bỏ lại mẹ già, vợ trẻ để đến với hành trình gieo chữ tại bản nghèo. Có thầy bố mẹ ốm nhưng cũng không báo tin cho con trai được, phần vì điện thoại không có sóng, phần vì sợ con sốt ruột, ảnh hưởng việc dạy dỗ. Đằng sau những hi sinh thầm lặng của các thầy là hậu phương vững chắc giúp sức trong sự nghiệp giáo dục, đem lại điều tốt đẹp cho xã hội.

Nói đến những món quà nhân ngày kỉ niệm, các thầy cười tươi: Các em ở đây nghèo lắm, cơm ăn còn chưa no, quần áo không đủ mặc. Mỗi nụ cười của các em và mỗi khi nhìn các em chăm học, tự phấn đấu và nuôi dưỡng ước mơ, chúng tôi đã coi đó là món quà tri ân ngày nhà giáo rồi.

Ở nơi ấy, chỉ có tiếng cười giòn tan khi thầy trò gặp nhau, chỉ có bát cơm với rau rừng nhưng tình thầy trò ấm áp như cha con. Và nếu không yêu nghề, không thương các em, làm sao các thầy có thể ngày ngày vượt qua những hiểm nguy, tai nạn rình rập.

Đại diện 41 thầy giáo cắm bản lên thành phố nhận giải tại Đài truyền hình, các thầy giản dị, chân thành nhưng ai nấy đều kính trọng, cảm phục. Sự lộng lẫy, sa hoa nơi thành thị khiến các thầy càng nghĩ đến những người dân của bản Mường, những học trò nhếch nhác. Các em thiệt thòi nhiều quá nên các thầy càng quyết tâm hơn mỗi ngày trong hành trình gieo suối nguồn con chữ đến vùng khó.

Nghệ Tĩnh 24h, tin nghệ an

Nguồn tin: GD&TĐ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây