Cách đánh vần lạ cho học sinh lớp 1: Chuyên gia ngôn ngữ học cũng băn khoăn
- Thứ hai - 27/08/2018 16:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip cô giáo dạy học sinh lớp 1 cách đánh vần tiếng Việt. Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường. Nhất là chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Lợi - một chuyên gia về ngôn ngữ học, thực ra cách đánh vần này được dạy trong cuốn “Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1” (do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).
“Cô giáo trong clip tuân thủ đúng theo phương pháp của giáo trình này. Trong clip, cô giáo dạy học sinh phân biệt cách viết, phân biệt ia, ua, ưa (âm tiết không có âm cuối) với iê, uô, ươ (khi có âm cuối).
Cô cũng dạy cách viết phân biệt c (khi có nguyên âm u, o, ơ) với cách viết k (khi có nguyên âm i), với cách viết q (khi có âm đệm u).
Theo chương trình này, ngay từ lớp 1 đã dạy cho học sinh phân biệt khái niệm âm (vị), các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, âm đệm.
Đây là những vấn đề, kiến thức, khái niệm của ngữ âm học và khoa học về chữ viết. Theo các tác giả biên soạn sách, để cho học sinh hiểu sâu về cấu tạo âm tiết tiếng Việt, từ đó phát huy sức sáng tạo của học sinh, có thể và cần thiết dạy cho học sinh lớp 1 các kiến thức, khái niệm ngữ âm học. Đây là sự khác biệt giữa chương trình cải cách và chương trình dạy tiếng Việt truyền thống”- GS-TS Nguyễn Văn Lợi phân tích.
GS Lợi cũng cho biết, ông không thể đưa ra câu trả lời đánh giá tính đúng -sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình, dù chỉ giới hạn trong sự cải cách dạy học sinh lớp 1 đánh vần tiếng Việt. Bởi vì đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá.
Thực tế, sách “Công nghệ giáo dục” đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng.
Là người cũng có con cháu sắp vào lớp 1, bản thân GS Nguyễn Văn Lợi cho biết mình cũng băn khoăn, dù làm trong ngành ngôn ngữ.
“Phần lớn phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học. Họ không khỏi lo lắng, hoang mang khi năm học sắp đến con cháu họ - những đứa trẻ vừa mới rời lớp mẫu giáo phải học những kiến thức khó mà đến họ cũng không biết”- GS Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn.
Xem thêm: Tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh