Hà Tĩnh: Xây lầu cho chim ở, mỗi tháng bỏ túi hơn 20 triệu đồng
- Thứ hai - 24/06/2019 08:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từng làm trong ngành thiết kế quảng cáo tại tỉnh Gia Lai với mức sống khá, nhưng từ khi có khu công nghiệp Formosa tại Kỳ Anh, vợ chồng chị Duyên đã về quê chồng tại Hà Tĩnh để lập nghiệp. Năm 2011, sau khi về quê, chị cùng anh họ thành lập công ty quảng cáo. Nhưng sau khi sinh con, chị đã chuyển hướng làm ăn, từ bỏ công việc thiết kế quảng cáo và năm 2016 chị bắt đầu nuôi chim bồ câu.
Hệ thống chuồng trại nuôi chim bồ câu trên tầng 2 của chị Duyên. Ảnh: N. Duyên.
Chị Duyên chia sẻ: "Sau thời gian ở nhà chăm con nhỏ, tôi nghĩ phải làm một cái gì đó cho riêng mình, còn việc ở công ty quảng cáo để chồng làm. Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hiểu tôi đã chọn nuôi chim bồ câu. Lúc đó nhà tôi ở chỉ làm một tầng, còn trên mái lại đổ sàn nên tôi tận dụng khoảng không trên đó để làm khu vực chuồng nuôi chim. Khi quyết định nuôi loài chim bồ câu, tôi đã lên mạng Internet và đến tận nơi cung ứng giống tìm hiểu thông tin, quy trình, kỹ thuật nuôi chim bồ câu...".
Mỗi cặp chim bồ câu bố mẹ đều có bảng theo dõi tiêm phòng dịch bệnh. Ảnh: N. Duyên.
Sau khi làm xong chuồng trại chị đặt 500 cặp chim bồ câu giống bồ câu Pháp tại tỉnh Bắc Giang với giá 300 ngàn đồng/cặp về nuôi. Thời điểm đó, chị phải vay ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại, mua con giống.
“Lúc đầu mới nuôi chim bồ câu Pháp cũng có nhiều khó khăn. Mới đưa chim bồ câu giống về, do chênh lệch nhiệt độ (ngày mình lấy giống thì trời nắng, đến khi đưa chim về nhà thời tiết lạnh đột ngột) nên chim bị thương hàn nhưng do lúc đó mình chưa có kinh nghiệm để phòng bệnh nên chim bị chết. Cứ mỗi ngày mở cửa chuồng là 10 con chim bị chết, mà cứ liên tục hơn 10 ngày như vậy...", chị Duyên kể lại với giọng vẫn xót xa.
Theo chị Duyên, thời điểm đó, chị bị chết hơn 100 cặp chim bồ câu giống. Thật sự lúc đó chị rất hoang mang. Nếu lúc đó tinh thần không vững thì cũng đã bỏ cuộc rồi. Từ kiến thức trên sách vở rồi ra thực tế là cả một quá trình. Giờ thì nhìn vào phân cua con chim bồ câu chị Duyên cũng đã biết được bệnh của nó rồi...
Chim bồ câu non được chị Duyên kiểm tra sức khỏe hằng ngày. Ảnh: N. Duyên.
Nhưng quá trình nuôi chim bồ câu chị đã rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân mình rồi truyền đạt lại cho những người đến mua con giống của chị.
Hiện tại, khách hàng các nơi tự tìm đến cơ sở nuôi chim bồ câu của chị để mua con giống, còn chim bồ câu thịt thương phẩm cũng được các nhà hàng, trường học đặt mua, có đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Có những thời điểm chim bồ câu giống, chim bồ câu thịt không đủ để cung ứng cho khách hàng.
“Có nhiều trường học muốn hợp đồng để tôi cung ứng chim bồ câu thịt nhưng hiện tại tôi chưa dám ký vì số lượng chim của tôi còn ít, chưa ổn định nên sợ không đủ nguồn hàng để cung ứng cho họ. Hiện tại, tôi đang tìm địa điểm để mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu” - chị Duyên cho biết thêm.
Chị Duyên luôn hướng dẫn tận tình cho khách hàng đến mua chim bồ câu giống. Ảnh: N. Duyên.
Chim bồ câu sau khi đẻ trứng được cho vào lò ấp sau đó mỗi cặp chim bố mẹ nuôi 3 đến 4 con chim con. Khoảng 40 đến 45 ngày chim bồ câu bố mẹ lại cho ra đời một lứa bồ câu mới.
Cũng theo chị Duyên, khi chim được nuôi cách khá xa mặt đất, không khí thoáng mát thì chim ít bị dịch bệnh và tăng tưởng tốt hơn.
Nguồn thức ăn của chim là các loại ngũ cốc nguyên hạt. Ảnh: N. Duyên.
Hiện tại, mỗi cặp chim bồ câu giống chị bán với giá 250 ngàn đồng/cặp. Còn chim bồ câu thịt được bán với giá 60 ngàn/ con. Mỗi tháng trừ chi phí chị thu về hơn 25 triệu đồng.
Hệ thống chuồng trại nuôi chim bồ câu được chị làm trên tầng 2 của ngôi nhà nên khá thoáng mát, hệ thống nước uống được lắp tự động. Thức ăn của chim là những hạt ngũ cốc nguyên hạt. Phương châm nhất quán của chị Duyên là sản xuất thực phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hệ thống nước uống của chim được thiết kế tự động. Ảnh: N. Duyên.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Anh Văn, Chủ tịch UBND phường Sông Trí, Thị xã Kỳ Anh cho biết: Mô hình nuôi chim bồ câu với quy mô, số lượng lớn thì chỉ mới chỉ có mô hình của chị Duyên. Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng rất muốn nhân rộng mô hình như vậy...".