'Mưa' điểm liệt môn lịch sử, tiếng Anh thi THPT quốc gia
- Thứ năm - 12/07/2018 09:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 11-7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia của thí sinh cả nước. Hầu hết các bài thi, môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đều xuất hiện điểm 9, điểm 10 nhưng tỉ lệ thấp hơn năm trước. Điểm trung bình của các môn thi đều giảm rõ rệt.
Trong tổng số 917.494 bài thi, chỉ có 230.700 bài thi đạt từ 6-10 điểm, chiếm 25,15%.
Môn toán: điểm trung bình 4,86
Theo phổ điểm môn toán do Bộ GD-ĐT cung cấp thì điểm trung bình cả nước là 4,86, thấp hơn năm 2017 và 2016 (5,19 và 5,02).
Toàn quốc chỉ có 561 thí sinh đạt điểm 9 trở lên (0,06%) tổng số bài thi, trong đó có 2 thí sinh đạt điểm 10. Số thí sinh đạt điểm 9, điểm 10 năm nay chỉ bằng 26% so với năm 2017.
Nhiều địa phương có truyền thống về chất lượng giáo dục như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An không có điểm 10 môn toán.
Môn văn: điểm trung bình 5,45
Nhìn vào phổ điểm của Bộ GD-ĐT thì môn văn năm nay khả quan hơn so với các môn khác. Mức điểm trung bình của môn ngữ văn năm nay là 5,45 (năm 2017 là 5,51), không có điểm 10. Nhưng có gần 2.300 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên, trong đó có 7 bài thi đạt 9,75.
Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 291.277, chiếm 32,3%. Tuy vậy, cũng có 103 thí sinh bị điểm 0. Số thí sinh rơi vào điểm liệt là 783. Đây là lý do điểm trung bình của môn thi này bị kéo xuống mặc dù điểm giỏi so với môn toán thì trội hơn hẳn.
Tại Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, nhiều giáo viên chấm thi cũng cho biết có nhiều bài văn làm tốt. Rất ít bài thi bỏ giấy trắng hoặc viết sai hoàn toàn yêu cầu của đề thi.
Môn tiếng Anh, lịch sử: "mưa" điểm liệt
Môn tiếng Anh là một trong những môn có phổ điểm xấu. Trong số 814.779 bài thi thì có 637.335 bài thi dưới điểm trung bình, chiếm trên 78,22%. Trong đó có tới 2.189 bài thi rơi vào điểm liệt, điểm 0 có đến 732 bài thi. Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3 điểm.
Tuy nhiên, ở mức điểm từ 9 trở lên ở môn tiếng Anh cũng tương đối nhiều so với các môn khác với trên 4.900 điểm 9 trở lên, trong đó có 76 thí sinh đạt điểm 10.
Dễ dàng nhận thấy điểm giỏi tiếng Anh ở các vùng khó khăn ít hơn nhiều vùng đô thị. Tuy nhiên, tại Hà Nội, số thí sinh đạt điểm 10 tiếng Anh nhiều nhất trong các môn (28 bài thi) nhưng số bài thi tiếng Anh bị điểm liệt ở Hà Nội cũng nhiều nhất trong số các môn thi (112 bài thi).
Môn lịch sử cũng là một trong những môn có điểm thi rớt thảm hại. Trong số 563.013 thí sinh dự thi thì có 468.628 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24%. Mức điểm trung bình trên cả nước là 3,79. Số điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25.
Ở môn sử cũng có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt, trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0. Theo nhận định của một số giám khảo chấm thi thì nhiều thí sinh đã làm lạc đề, có thể việc đổi mới ra đề thi quá nhanh mà việc dạy học ở trường phổ thông chưa theo kịp.
Môn sinh học cũng là môn có mức điểm thấp với điểm trung bình môn là 4,54. Trên 63% số bài thi có điểm dưới trung bình.
Giáo dục công dân: điểm trung bình 7,13
Riêng phổ điểm thi của môn giáo dục công dân được xem là điểm sáng của mặt bằng điểm thi năm nay với mức điểm trung bình là 7,13. Số điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7,50.
Chỉ có gần 5% số thí sinh có điểm dưới trung bình. Cả nước có gần 28.000 bài thi đạt 9 điểm trở lên. Trong đó có 309 bài thi đạt điểm 10, 1.600 bài thi đạt điểm 9,75.
Theo cô Trần Thị Quyến - giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), đề thi giáo dục công dân với những câu hỏi tình huống gắn với thực tế không bắt thí sinh phải học thuộc lòng chỉ cần nắm được kiến thức.
Nhất là được làm ở hình thức trắc nghiệm, thí sinh có thể sử dụng các kỹ năng phán đoán, loại trừ để chọn phương án đúng. Đây cũng là yếu tố giúp thí sinh có điểm số cao.
Với mục đích để việc dạy học giáo dục công dân được chú trọng hơn, học sinh phổ thông có ý thức trách nhiệm công dân trước khi bước vào cuộc sống thì một đề thi với độ khó như năm nay là phù hợp.
Vĩnh Hà