Nghệ An - Hà Tĩnh: Bão vừa qua, lũ lại tới
- Thứ bảy - 21/07/2018 10:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghệ An: Giao thông bị chia cắt nhiều nơi
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm đầu giờ chiều 20/7, trên địa bàn các huyện, thị của tỉnh vẫn xuất hiện mưa to. Các huyện miền núi phía Tây của Nghệ An đã xuất hiện lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản.
Tại Khe San, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) nước dâng cao, đường ngập 1,5m. Đoạn đường qua xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đất đá cuốn về tắc rãnh thoát nước không kịp tràn lên mặt đường dài 240m.
Xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn cũng trong tình cảnh nước ngập sâu 0,35 m. Địa bàn xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn đoạn Km92, QL48E nối xã Nghĩa Thịnh với xã Nghĩa Hưng đã bị ngập nước sâu khoảng 2,5m. Lực lượng chức năng phải trực gác ở hai đầu điểm tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.
Trên tuyến QL48E nhiều đoạn đã bị chia cắt, các phương tiện giao thông không thể đi lại. Do một số đê và đập nước ở huyện Yên Thành bị vỡ nên QL7A, đoạn từ xã Công Thành đến Bảo Thành dài 2 km bị ngập từ 0,5 - 0,7 m, phương tiện không thể lưu thông; Quốc lộ 7B đoạn qua khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành vẫn bị ngập, giao thông bị chia cắt.
Nhiều vị trí bị ngập lụt trên tuyến QL 7A, 7B, lực lượng Công an huyện Yên Thành và Đội CSGT 1-7 Phòng CSGT Công an Nghệ An đã thành lập rào chắn, cắm biển báo cấm người và phương tiện qua lại. Đồng thời phân luồng, hướng dẫn lưu thông đi đến các tuyến giao thông toàn an toàn.
Huyện Yên Thành có trên 4.400 ha lúa hè thu trong thời kỳ ngậm đòng và gần 100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trên 25 ha rừng bị gãy, hàng ngàn con gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi. Hơn 900 hộ dân ở các xã Long Thành, Khánh Thành, Bảo Thành, Công Thành, Trung Thành bị nước tràn vào nhà; 140 hộ dân của xóm 5, xã Bảo Thành đang bị nước lũ cô lập. Một số đập nước, đê của các xã Bảo Thành, Minh Thành, Đồng Thành, Khánh Thành, Tân Thành, Phúc Thành bị sạt lở, vỡ.
Tại huyện Quế Phong, một số sông suối trên địa bàn huyện nước dâng cao. Hai cầu tràn đường liên xã từ trung tâm huyện dẫn vào xã Nậm Giải và Quang Phong, nước cao khoảng 1 m, bị chia cắt hoàn toàn.
Anh Hà Văn Huy, cán bộ xã miền núi - biên giới Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), cho biết mưa lũ đã cô lập xã này với bên ngoài. Ngay trên địa bàn xã, nước lũ đã chia cắt hoàn toàn giữa trung tâm xã với các bản như: Pỏm Om, Mường Đán, Hủa Mương…
Mới đây, nguồn tin từ UBND xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) cho hay, chính quyền địa phương và người nhà đã tìm thấy 35 người vào rừng hái măng bị mất liên lạc. Tuy nhiên, cho đến chiều 20/7, họ chưa thể trở về nhà vì bị nước lũ cô lập. Lực lượng tìm kiếm đã hướng dẫn họ đến nơi trú ẩn an toàn, chờ nước rút.
Trước đó, chiều 19/7, ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính cho biết xã này vẫn chưa liên lạc được với 35 người nói trên trong nhóm 41 người của xã này đi vào rừng hái măng. Được biết, người dân Châu Bính thường vào rừng hái và làm măng khô, mỗi lần đi khoảng 1 tháng.
Hà Tĩnh: Một xã bị cô lập 4 ngày
Lũ dâng cao tại Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Đ.Hùng
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện Hương Sơn có mưa lớn diện rộng, nhiều vùng bị nước lũ dâng cao gây ngập lụt. Tại QL8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm tấn đất, đá đổ xuống đường gây ách tắc nghiêm trọng. Cách đó không xa, mưa lớn cũng đã làm sạt lở mái taluy làm đứt 30m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc. Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Hương Sơn có 2 người chết đuối do đi thả cá tại vùng nước dâng.
Đồng thời, lốc xoáy xảy ra ở xã Xuân Phổ, Nghi Xuân đã khiến 13 hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Trận lốc xoáy quét qua rất nhanh làm tốc mái 13 ngôi nhà, nhiều cây cối bị hư hại. Rất may không có thiệt hại nào về người.
Mấy ngày qua xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. Ông Hoàng Huy Hiệu, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Tiến cho biết, toàn xã đã bị nước lũ cô lập 4 hôm nay, trong đó 13 ngôi nhà ngập nặng. Người dân và chính quyền xã Sơn Tiến đã chủ động mua lương thực dự trữ sẵn từ trước, song nước ngập nhà nên nấu ăn rất khó. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, người dân xã Sơn Tiến cho biết: “Chỉ có thể chế biến các loại đồ ăn nhanh như mỳ tôm".
Ghi nhận cho thấy đến trưa ngày 20/7, nước đã rút dần song người dân Sơn Tiến đi lại vẫn phải di chuyển bằng thuyền khi có việc cần ra khỏi xã.
Bão số 3 và mưa hoàn lưu không gây thiệt hại về người nhưng theo người dân ở đây cho biết do lũ về sớm hơn các năm nên nhiều hoa màu của người dân bị nước nhấn chìm vì không kịp trở tay.
Toàn xã Sơn Tiến có 13 thôn, hiện tại còn 17 ngôi nhà và 7 nhà văn hóa thôn bị ngập. Trụ sở xã Sơn Tiến bị cô lập từ ngày 17/7, mọi hoạt động hành chính không thể thực hiện được ở thời điểm này. Mưa lũ cũng chia cắt đường chính từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã.
Theo Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Trung Bộ duy trì trong 3 ngày tới. Tại địa bàn tiếp tục có mưa rào rải rác, lũ các sông như Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên chậm, nằm ở mức báo động một.
TAG: Tin tức Nghệ An, Tin Tức Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh