Nghệ An: Xây dựng riêng một Đề án phát triển cho 27 xã biên giới
- Thứ sáu - 01/09/2017 15:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 1/9, dưới sự chủ trì của đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về Đề án Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017- 2020 có tính đến năm 2025.
27 xã vùng Đề án thuộc 6 huyện có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly khăm xay của nước CHDCND Lào là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Anh Sơn và Thanh Chương; gồm 6 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Mông, Thái, Khơ mú, tộc người Đan Lai, Tày Poọng; có một cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, 01 cửa khẩu chính Thanh Thuỷ và 3 cửa khẩu phụ.
Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp sáng nay. Ảnh: Phú Hương |
Tại đây, đến 30/6/2017 chưa có xã biên giới đạt chuẩn NTM, xã có tiêu chí cao nhất là 15 tiêu chí, thấp nhất 5 tiêu chí.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, giám đốc Sở NN&PTNT giải trình một số vấn đề trong Đề án theo ý kiến góp ý của các ban ngành và địa phương liên quan. Ảnh: Phú Hương |
Đến nay, Sở NN&PTNT, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án đã nhận được 13 văn bản góp ý xây dựng đề án của các sở, ngành và UBND các huyện. Trong đó, đáng chú ý là các góp ý về căn cứ pháp lý của đề án; bổ sung một số vấn đề như khó khăn thách thức, phụ lục các dự án ưu tiên đầu tư; đánh giá thêm về cơ sở hạ tầng nông thôn; bổ sung hoặc bỏ nhiệm vụ của một số sở, ngành, UBND cấp xã; bổ sung nội dung vùng 27 xã biên giới nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An đã được tổ chức UNESCO công nhận; xác định rõ thêm về tỷ lệ % kết cấu mặt đường phải đạt được đối với từng loại đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm v.v.
Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị tham mưu đầu tư nâng cấp các cặp cửa khẩu để tạo điều kiện giao thương giữa hai bên. Ảnh: Phú Hương |
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT đã trình bày về những điểm bổ sung, sửa đổi trong Đề án theo ý kiến góp ý của các ban ngành và địa phương liên quan. Các đại biểu cũng góp ý thêm về một số vấn đề như: xem xét lại các chỉ tiêu đã đạt để có sự logic giữa chỉ tiêu đã đạt và chỉ tiêu phấn đấu; bổ sung nội dung đẩy mạnh chương trình kết nghĩa giữa các cụm dân cư vùng biên giới, tham mưu nâng cấp các cặp cửa khẩu để tạo điều kiện cho người dân giao thương thuận lợi…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Vùng 27 xã thuộc Đề án là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT- XH, QP AN và đối ngoại của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh. Đề án được đầu tư thực hiện sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về phát triển KT- XH giữa các xã khu vực biên giới với các xã khác trên địa bàn tỉnh và cả nước; tạo động lực giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới từng bước vươn lên thoát nghèo nâng cao đời sống, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước.
Việc xây dựng đề án cũng sẽ giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, tạo khung pháp lý cho việc thu hút đầu tư và lồng ghép nguồn lực đầu tư.
Dân quân tự vệ xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) giúp dân làm đường bê tông xây dựng NTM. Ảnh: Tư liệu |
Đồng chí Đinh Viết Hồng cũng đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu, chọn lọc các ý kiến góp ý của các đơn vị và địa phương liên quan để xây dựng nhóm tiêu chí, các giải pháp phù hợp. Phối hợp với Sở Tài chính để thống nhất về các số liệu tài chính. Đặc biệt, tham mưu rõ để xác định nguồn lực đặc thù riêng vì đây là vùng đặc thù khó khăn, việc huy động nguồn lực về kinh tế trong dân là rất khó. Trên cơ sở tham khảo cơ cấu Đề án của một số tỉnh, sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế của Nghệ An.
Tin nhanh Nghệ Tĩnh 24h, tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Xứ Nghệ