Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu "thổi giá" như thế nào?

Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tại Hà Tĩnh đã bị “thổi giá” gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu "thổi giá" như thế nào?

 

Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Kết luận thanh tra số 320/KL–UBND về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và các gói thầu mua sắm, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất do Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông làm chủ đầu tư thuộc Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Kết luận thanh tra chỉ ra các gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học theo Đề án 1436 (Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư giai đoạn 2017-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng dự toán 251.713.796.000 đồng, tổng giá trị hợp đồng 250.520.299.600 đồng.

Các hạng mục được thanh tra chỉ ra bao gồm:

(1) Qua mua sắm tập trung 15 gói thầu, tổng giá trị dự toán 241.927.796.000 đồng, tổng giá trị hợp đồng 240.786.679.600 đồng;

(2) Sở Giáo dục và Đào tạo tự mua sắm 02 gói thầu tổng giá trị dự toán 9.786.000.000 đồng, tổng giá trị hợp đồng 9.733.620.000 đồng.

Năm 2020 đã triển khai đăng ký nhu cầu, đấu thầu, ký thỏa thuận khung 02 gói thầu nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên không triển khai ký hợp đồng mua sắm. Trong kỳ thanh tra, tổng số thiết bị máy chiếu và phụ kiện, máy tính xách tay, máy tính để bàn, âm ly đa năng, phần mềm, đồ chơi ngoài trời... đã mua sắm là 21.957 thiết bị.

Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu 'thổi giá' như thế nào? ảnh 1

Biểu giá giá dịch của Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng. (Ảnh chụp màn hình).

Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu 'thổi giá' như thế nào? ảnh 2

Biểu giá giao dịch của Công ty cổ phần thương mại Hồng Hà. (Ảnh chụp màn hình)

Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu 'thổi giá' như thế nào? ảnh 3

Biểu giá giao dịch của Công ty cổ phần Vạn Xuân. (Ảnh chụp màn hình)

Trong Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt các thiết bị đã được nhà thầu “thổi giá” cao ngất ngưởng.

Đơn cử như mặt hàng “Máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI” tại gói thầu TB 10.2019 có giá nhập khẩu chỉ hơn 7,2 triệu đồng nhưng qua trung gian, khi đến tay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, bộ máy này có giá hơn 34,8 triệu đồng. Chênh lệch hơn 20,8 triệu đồng/bộ. Tổng 668 bộ chênh tới 13,9 tỷ đồng. 

Gói thầu có hạng mục đắt đỏ này gồm liên danh Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng, Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo Toàn trúng thầu.

Kết luận cũng chỉ ra, biểu giá giao dịch của Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng có mặt hàng chênh lệch gần 7,5 tỷ đồng. 

Tại gói thầu TB 03.2017, mặt hàng “Máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL” có giá nhập của Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam là 6,82 triệu đồng/bộ. Đến tay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, bộ máy chiếu này có giá 16,45 triệu đồng (chênh gần 10 triệu đồng/bộ). Tổng 451 bộ được đẩy chênh lệch hơn 7,41 tỷ đồng.

Liên danh trúng gói thầu này gồm Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng, Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam và Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ và dịch vụ Viễn Thông.

Ngoài ra còn có những mặt hàng chênh lệch tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng…

Liên danh Hồng Hà - P&T cũng “thổi giá” không kém. Cụ thể, tại gói thầu TB 09.2019, thiết bị “Bộ giải pháp giảng dạy với máy chiếu đa năng tích hợp tương tác NEC NP-MC372XG”, có giá nhập khẩu của Công ty cổ phần đầu tư P&T hơn 7,9 triệu đồng/bộ.

Sau khi qua đơn vị trung gian, bộ thiết bị này được liên danh Hồng Hà - P&T bán cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh với giá 18,96 triệu đồng/bộ. Tức là cao hơn gần 11 triệu đồng/bộ.

Chỉ riêng 1 mặt hàng với 470 bộ thiết bị thuộc “Bộ giải pháp giảng dạy với máy chiếu đa năng tích hợp tương tác NEC NP-MC372XG”, liên danh Hồng Hà - P&T đã “vống” đến hơn 8,9 tỷ đồng.

Một mặt hàng khác nữa cũng được liên danh này tiếp tục "thổi giá". Đó là “Máy chiếu đa năng NEC NP - MC371 XG kèm thiết bị tương tác và phần mềm hỗ trợ giảng dạy NOVI Elearning”.

Giá nhập khẩu chỉ hơn 9,1 triệu đồng nhưng đơn giá của liên danh Hồng Hà - P&T bán cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh là 17,7 triệu đồng.

Nghĩa là mỗi bộ chênh 8,6 triệu đồng. Tổng số 464 bộ của mặt hàng này chênh lệch tới hơn 8,2 tỷ đồng.

Biểu giá của Công ty cổ phần Vạn Xuân, tại gói thầu TB 16.2019, hạng mục “Máy chiếu đa năng tích hợp tương tác thông minh NEC NP-MC382 WG (không có phần mềm), giá chênh lệch của 214 bộ lên tới hơn 3,1 tỷ đồng. Gói thầu này liên danh Công ty cổ phần Vạn Xuân và Công ty cổ phần đầu tư P&T trúng thầu.

Thiết bị trường học ở Hà Tĩnh được các nhà thầu 'thổi giá' như thế nào? ảnh 5

Các bị can trong vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an)

Cũng theo Kết luận thanh tra số 320/KL-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ rõ, đối với Đề án 1436, việc xác định nhu cầu sử dụng chưa sát với thực tế dẫn đến việc sử dụng đài cassette phục vụ dạy ngoại ngữ và phần mềm Trí Việt E-Leanning chưa phát huy hiệu quả, máy chiếu đa năng không đồng bộ với các thiết bị máy chiếu do các cơ sở giáo dục tự mua sắm, xác định giá để lập dự toán thiếu giá khởi điểm, lập dự toán mua sắm một số thiết bị giá cao bất thường, giám sát mua sắm thiếu chặt chẽ dẫn đến có sự đánh tráo, thay đổi chủng loại, số lượng hàng trăm thiết bị, có lợi cho các nhà thầu; công tác thẩm định giá tài sản thiếu sót, giá gói thầu cao bất thường;

Ngoài ra, quy trình đấu thầu vi phạm luật đấu thầu, giám sát lỏng lẻo, “tạo điều kiện” cho các nhà thầu lách luật, lập hồ sơ năng lực “khống” để trúng thầu... 

Kết luận cũng phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan. Những sai phạm nói trên khiến thất thoát ngân sách nhiều tỷ đồng. 

Đối với 15 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tập trung đã thực hiện, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh) là đơn vị lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh là bên mời thầu thực hiện toàn bộ quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết thỏa thuận khung và thông báo kết quả cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh biết để thương thảo, ký hợp đồng và nghiệm thu.

Ngày 12/9, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan.

Liên quan vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng gồm: Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh; Dinh Quốc Tấn, tổ trưởng tổ đấu thầu, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần thương mại Hồng Hà; Phạm Viết Anh Vũ, Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh, Công ty cổ phần thương mại Hồng Hà; Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh; Nguyễn Hồng Hải, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh và Nguyễn Xuân Thiện (Công ty cổ phần đầu tư P&T).

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra truy tìm và thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an)


Trần Phương

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây