Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


'Thực nghiệm, đổi mới nhiều, khổ học sinh'

Nêu quan điểm về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trong buổi thảo luận ngày 12/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thực nghiệm, đổi mới nhiều quá mà không biết kinh nghiệm ở đâu, chỉ làm khổ học sinh.
Sách giáo khoa tiếng việt lớp 1   Công nghệ giáo dục

Học sinh “không hè, không tuổi thơ"

Đề cập đến những bất cập trong giáo dục hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, bà thấy rất thương các cháu học sinh vì bây giờ học hành khổ sở quá. “Thế hệ chúng tôi học cách đây mấy chục năm, nhưng kiến thức không quên cái gì, mà ba tháng hè vẫn trọn vẹn. Còn bây giờ học sinh không có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi”, bà Ngân bày tỏ lo ngại.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cách dạy hiện nay không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái quá cao siêu, quá hàn lâm. Thực nghiệm, đổi mới nhiều quá mà không biết kinh nghiệm ở đâu, chỉ làm khổ học sinh. “Tôi học từ tên núi, tên sông, bản đồ khúc nào, lịch sử trận đánh nào vẫn còn nhớ nguyên, nhưng trẻ em bây giờ hỏi không biết. Như thế không biết dạy kiểu gì, chất lượng thế nào, trong khi học thêm nhiều, nghỉ hè không có”, bà Ngân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhận xét rằng, nền giáo dục đang gây áp lực quá lớn cho trẻ nhỏ, cho gia đình. Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, những môn học mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình.

“Tôi gặp nhiều học sinh nước ngoài, các cháu tự tin nói, các cháu học ít nhưng hiểu biết nhiều, không như học sinh ở Việt Nam. Giáo dục của chúng ta mang tính chất nhồi nhét kiến thức rất lớn, nhìn bọn trẻ học mà thương, tí tuổi đã cận thị hết cả, không giảm tải thì rất gay”, ông Tỵ nói.

'Thực nghiệm, đổi mới nhiều, khổ học sinh' - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ

Miễn học phí có vi phạm nguyên tắc thị trường?

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khung học phí mầm non, phổ thông ở các trường công lập hiện khá thấp. Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới chỉ miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở đó, ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Hằng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ thực hiện chính sách này là 4.730 tỷ đồng.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Dự án luật đưa ra nhiều chính sách mới đã quán triệt tinh thần nghị quyết của Quốc hội chưa? Nếu thực hiện, liệu ngân sách có thể đảm bảo được không trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay? Giải trình việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, số tiền miễn học phí, cấp bù và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chưa đồng tình. Ông Hiển phân tích, có những trường ở các thành phố lớn với mức đóng góp 7 - 8 triệu đồng/ tháng mà còn phải xếp hàng. Nhiều trường mỗi năm nhận hàng nghìn hồ sơ nhưng chỉ tuyển 260 học sinh thì có cần hỗ trợ không? Theo ông Hiển, quy định như dự thảo là quá đại trà và vi phạm nguyên tắc thị trường nên cần phải tính lại.        
 

Xem thêm: Tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh

 

Nguồn tin: www.tienphong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây