Vì sao khám ở Nghệ An phải về Hà Tĩnh thanh toán?
- Thứ năm - 17/08/2017 21:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
BHXH Việt Nam phát ''văn bản lạ'', yêu cầu người bệnh phải đóng tiền cho BV tuyến huyện ở Nghệ An, sau đó lấy hóa đơn về thanh toán tại Hà Tĩnh. Việc này có gây khó cho người bệnh?
BHXH Việt Nam vừa ban hành công văn về việc ''thực hiện quản lý chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT đối với đa tuyến đi ngoại tỉnh'' đối với hai địa phương Hà Tĩnh và Nghệ An.
Trước đó, BHXH tỉnh Hà Tĩnh có công văn tham mưu cho BHXH Việt Nam, ban hành văn bản buộc người bệnh phải thanh toán trực tiếp các khoản chi phí khám chữa bệnh thông tuyến.
Theo đó, từ khi thực hiện KCB thông tuyến huyện trong phạm vi cả nước, thì chi phí đa tuyến ngoại tỉnh tại Hà Tĩnh tăng cao. Năm 2016, chiếm 48% quỹ KCB BHYT, dự kiến năm 2017 chiếm 60%.
Các chi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh phát sinh chủ yếu tại các tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đối với BHXH tỉnh Hà Tĩnh, trường hợp KCB thông tuyến trên địa bàn tỉnh thì thực hiện theo quy định của BHYT.
''Đối với BHXH Nghệ An, yêu cầu các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ và tổ chức giám định chặt chẽ chi phí KCB để BHXH tỉnh Hà Tĩnh làm cơ sở thanh toán trực tiếp cho người bệnh'' - trích ''văn bản lạ''.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo ở BV tuyến huyện tại Nghệ An cho biết, từ ngày 1/1/2016, tất cả các bệnh nhân có BHYT đều được KCB bất cứ BV tuyến huyện trên cả nước.
Do đó, việc BHXH Việt Nam phát ra ''văn bản lạ'' cản trở bệnh nhân từ Hà Tĩnh sang Nghệ An KCB BHYT là chưa đúng. Việc bắt người bệnh phải đóng tiền cho BV tuyến huyện ở Nghệ An, sau đó lấy hóa đơn về thanh toán tiền BHXH tại tỉnh Hà Tĩnh là gây khó khăn cho người bệnh.
Đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, văn bản này không trái luật và đảm bảo quyền lợi cho người KCB thông qua BHYT.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, theo khoản 3, điều 22 Luật BHYT năm 2014 quy định, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng với tỷ lệ:
Tại BV tuyến TƯ là 40% chi phí điều trị nội trú, tại tuyến tỉnh là 60% từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2020; Tại tuyến huyện là 70% từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2015 và 100% từ 1/1/2016.
Như vậy, người bệnh có thẻ BHYT tuyến huyện ở Hà Tĩnh đi KCB ở BV tuyến huyện của Nghệ An (không đúng tuyến, không ở nơi đăng ký ban đầu) từ 1/1/2016 vẫn được hưởng 100% chi phí, như khám đúng tuyến.
Ông Lê Văn Phúc
Ông Phúc cũng khẳng định: “Việc cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp cho người KCB là không trái với các quy định của pháp luật về KCB BHYT mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT”.
Tránh tình trạng người bệnh phải đi lại nhiều lần
Về lý do chỉ Nghệ An và Hà Tĩnh có văn bản trên, ông Phúc giải thích, chi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh phát sinh của Hà Tĩnh chủ yếu tại các BV tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, chi phí KCB tại tuyến huyện của Nghệ An (chủ yếu là các BV công ở TP.Vinh) là khoảng 60 tỷ đồng. Trong khi đó quỹ này cả năm ở Hà Tĩnh là 763 tỷ đồng....
Để không phiền đến người dân, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, khi bệnh nhân Hà Tĩnh chi trả trực tiếp tại các BV của Nghệ An rồi đem hồ sơ về thanh toán, BHXH Hà Tĩnh phải tổ chức triển khai giám định nhanh, đảm bảo thuận lợi, tránh tình trạng người bệnh phải đi lại nhiều lần.
"Khi phải ứng tiền ra chi trả trước thì người dân sẽ quản lý tốt hơn chi phí KCB của mình, không chi trả cho các dịch vụ chưa cần thiết.
Đồng thời, cơ quan BHXH cũng quản lý chặt hơn khi giám định trực tiếp từng hồ sơ, tránh được tình trạng kê khống, thống kê sai và từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT", ông Phúc nói rõ.
Vẫn theo ông Phúc, trước mắt, BHXH Việt Nam đang tạm thời áp dụng cho Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau 3 tháng sẽ tổ chức đánh giá, nếu thực hiện hiệu quả, sẽ áp dụng thêm ở các địa phương khác.