Đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự ông chủ Tân Hiệp Phát
- Thứ ba - 10/01/2017 13:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo VKS, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa có đủ cơ sở xác định: Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) có tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Rạch Kiến. Thời điểm đầu năm 2012, Ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nắm giữ 84,92% cổ phần.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Đinh Tuấn |
Từ ngày 9/2/2012 đến 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra Trustbank kết luận thực trạng tài chính rất xấu, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỉ đồng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, ngân hàng Nhà nước có phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ) chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh). Ngày 6/9/2012, NHNN có văn bản thông báo chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank.
Trên thực tế, từ ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh đã ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và các tài liệu liên quan. Kể từ khi nhóm Thiên Thanh do Phạm Công Danh quản trị điều hành, VNCB hoạt động không hiệu quả. Tính đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.
Hậu quả trên có một phần là do hàng loạt hành vi sai phạm của các bị cáo. Trong đó có các hành vi: lập khống hồ sơ thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng, lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành và 806 Sư Vạn Hạnh để rút hơn 600 tỷ đồng, rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu thông qua Công ty cổ phần Quỹ Lộc Việt và rút 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay. Những hành vi trên gây thiệt hại của VNCB tổng cộng 7.000 tỷ đồng.
Việc truy tố, xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, những cá nhân đứng tên thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền đều khai họ không có mục đích vay tiền. Tiền là của ông Trần Quí Thanh, sau khi vay tất cả các khoản tiền đều chuyển cho bà Trần Ngọc Bích, không biết sử dụng vào mục đích gì. Trên thực tế, các khoản tiền trên đều được chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh để bị cáo dùng để trả nợ hoặc chi tiêu vào các mục đích khác.
VKS cho rằng với sự giúp sức của Phạm Thị Trang và Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích, bị cáo Phạm Công Danh đã thực hiện hành vi cố ý làm trái đối với khoản tiền 5.490 tỷ đồng. Việc cấp sơ thẩm quyết định khởi tố với Phạm Thị Trang là có căn cứ. Tuy nhiên, việc cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Hành vi của Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh rút tiền thông qua hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm giả tạo. Ngoài ra, tại tòa Trần Ngọc Bích thừa nhận có quan hệ vay mượn với Phạm Thị Trang.
Toàn cảnh phiên xét xử |
Đối với tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", VKS Cấp Cao cũng cho rằng cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử 22 bị cáo về tội danh này là đúng người, đúng tội.
Xét kháng cáo của 25 bị cáo, VKS cho rằng mức án 30 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên với Phạm Công Danh là có căn cứ, không có cơ sở giảm nhẹ. Đối với kháng cáo xin hưởng án treo của một số bị cáo, VKS cho rằng mức án trên đã được cấp sơ
Với kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh, bà Hứa Thị Phấn về việc thu hồi lại số tiền vật chứng, VKS cho rằng với một số khoản tiền cấp sơ thẩm tuyên chỉ thu hồi theo tỉ lệ là không đúng. Kháng cáo của Phạm Công Danh đề nghị thu hồi toàn bộ số tiền bị cáo đã chuyển cho ông Thanh, bà Bích và bà Phấn là có căn cứ nên đề nghị chấp nhận.
Về khoản tiền 5.190 tỷ đồng, xét kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và 13 cá nhân liên quan, VKS xét thấy đây là thủ đoạn rút tiền khỏi ngân hàng của hành vi cố ý làm trái nên cần thiết phải thu hồi.
Do khoản tiền này bị thu hồi nên các khoản vay của nhóm bà Bích vào 21/6, 26/7 và 30/7 (những khoản này đã được tất toán bằng khoản tiền 5.190 tỷ bị cáo Danh rút trái phép từ ngân hàng) chưa được tất toán, nhóm bà Bích có nghĩa vụ tất toán những khoản vay này. VKS co rằng không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân liên quan trong nhóm này.
VKS cũng đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Quách Kim Chi - vợ bị cáo Phạm Công Danh về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Về kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn đề nghị hủy quyết định khởi tố vụ án, VKS cho rằng cấp sơ thẩm quyết định khởi tố vụ án với bà Phấn và một số cá nhân liên quan trong nhóm Phú Mỹ là có căn cứ, không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo...
Từ những nhận định trên, VKSND Cấp Cao đề nghị bác đơn kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên hình phạt. VKS đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và các cá nhân liên quan, bác kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn.
Chấp nhận một phần kháng cáo của Phạm Công Danh, đề nghị thu hồi của ông Trần Quí Thanh 500 tỷ đồng, Trần Ngọc Bích 119 tỷ đồng...
Kiến nghị cơ quan điều tra và VKSND Tối Cao xem xét vai trò đồng phạm của Trần Ngọc Bích, Trần Quí Thanh và một số cá nhân nguyên là cán bộ ngân hàng đã giúp sức Phạm Công Danh rút của VNCB 5.190 tỷ đồng.
Ngoài đề nghị trên, VKSND Cấp Cao cũng đề nghị làm rõ về khoản tiền 405 tỷ đồng tiền lãi mà Trần Ngọc Bích đã nhận và xem xét truy thu thuế thu nhập cá nhân và hành vi trốn thuế nếu có.
Một số nội dung khác liên quan đến vụ án cũng được VKS kiến nghị xử lý
Tin tức Nghệ An, Tin tức pháp luật Nghệ An