Hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an giúp Vũ “nhôm” nói gì về sai phạm?
- Thứ tư - 30/01/2019 14:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 30/1, TAND TP Hà Nội tuyên bố kết thúc tranh luận trong phiên xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ và 4 đồng phạm. Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được quyền nói lời sau cùng.
Mở đầu, Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “nhôm” cho biết muốn nói nhiều điều nhưng không dám vì: “Sợ bị khép vào ngoan cố. Bị cáo xuất thân doanh nghiệp nhưng mang dòng máu lính và đã là lính phải tuân thủ, dám làm, dám chịu việc mình làm”.
Tiếp lời: “Bị cáo luôn làm đúng, không bao giờ làm sai chỉ thị cấp trên giao. Bị cáo chỉ nghĩ tất cả tiền vốn của công ty do bị cáo, các tài sản bị cáo mua đều có hợp đồng, nộp tiền cho công ty, cho thành phố nên bị cáo được quyền định đoạt, sử dụng tài sản. Bị cáo nghĩ phát triển tiềm lực là phát triển kinh tế nhưng qua 2 ngày xét xử, được viện kiểm sát phân tích, bị cáo thấy đã sai. Trong việc này bị cao rất ân hận, chính việc bị cáo làm đã liên lụy đến lãnh đạo của mình, của bộ công an. Mong HĐXX xem xét kỹ, anh Phan Hữu Tuấn, anh Nguyễn Hữu Bách hoàn toàn không đồng phạm với bị cáo. Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân hoàn toàn không có tội”.
Tuy vậy, Vũ “nhôm” tái khẳng định không đồng tình với cáo trạng, chỉ cơ bản đồng tình với kết luận điều tra của công an. Bị cáo này lấy ví dụ 40 tỷ đồng của năm 2009 so với năm 2019 hoàn toàn khác nhau nhưng cáo trạng định giá nhà đất tại thời điểm hiện nay để quy thiệt hại cho hành vi xảy ra năm 2009.
Cuối cùng, ông Vũ gửi lời xin lỗi tới 4 bị cáo còn lại và gia đình họ đồng thời khẳng định: “Bị cáo không muốn có ngày hôm nay, ra tòa này bị cáo không muốn nói nhưng bị cáo rất nhục nhã”.
Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Hữu Bách, nguyên đại tá Tổng cục V nói: “Cũng tại nơi này cách đây 6 tháng, bị cáo bị xét xử về hành vi soạn thảo văn bản với tội danh cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Hôm nay, tại điểm này, cũng với hành vi soạn thảo các văn bản này, bị cáo lại bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Bị cáo thấy vì cùng 1 hành vi mà bị xét xử 2 lần khác nhau thì rất đau xót, mình đã phải trả giá quá nhiều”.
Bị cáo Bách khẳng định cả đời mình đã phục vụ Đảng, Nhà nước và ngành công an nhưng không bao giờ nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh này đồng thời mong HĐXX cho hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.
Tương tự, bị cáo Phan Hữu Tuấn, nguyên Trung tướng Tổng cục V cũng cho rằng mình đã bị xét xử tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước về hành vi ký, ban hành văn bản đáng lý chỉ được gửi cho Chủ tịch UBND các thành phố nhưng ông gửi cho cả người liên quan. Ông Tuấn cho rằng hiện nay ông bị xét xử về cùng một hành vi đã bị kết tội nên mong tòa án xem xét.
Cũng nói lời sau cùng, bị cáo Bùi Văn Thành, nguyên Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự ăn năn và thừa nhận bản thân đã thiếu trách nhiệm để Phan Văn Anh Vũ phạm tội.
Ông Thành cho biết trước khi ra tòa đã: “Thực sự mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên trong 3 ngày diễn ra phiên tòa, lần đầu tiên bị cáo thấy phiên tòa diễn ra rất công khai, rõ ràng, nên những lo lắng đã thực sự giải tỏa... Điều đau khổ và day dứt nhất là vụ án này mang lại hậu quả, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an. Tôi thấy rất đau xót”.
Bị cáo tiếp lời: “Hình phạt nghiêm khắc nhất với bị cáo là đứng ở đây. Cái mất lớn nhất của bị cáo là danh dự, đời người quý nhất danh dự... Tôi đã làm mất niềm tin với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu, hy sinh vì bình an của nhân dân”. Bị cáo Thành mong tòa án xem xét, đánh giá nguyên nhân, bối cảnh mình phạm tội cũng như quá trình đóng góp, cống hiến của các bị cáo khác để giảm nhẹ cho họ.
Sau cùng, bị cáo Trần Việt Tân, nguyên Thượngtướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an cho biết quá trình bị cáo công tác đã không từ bỏ bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn, gian khổ đến đâu. Bị cáo Tân cũng xin HĐXX lưu ý bối cảnh diễn ra vụ việc có diến biến “rất phức tạp”.
“Tôi được phân công phụ trách một đơn vị nghiệp vụ và đã toàn tâm toàn ý vào đó nhưng cũng có thiếu sót là không bao quát được hết công việc” cựu Thứ trưởng nói.
Bị cáo này cho biết thêm những bị cáo ngồi đây luôn trong điều kiện làm việc hết sức khó khăn của một tình báo viên, nếu không có lòng tin vào Đảng, vào đất nước, nhân dân và anh em đồng đội sẽ không thể nào hoạt động được. Đặc thù của ngành tình báo là phải hy sinh thầm lặng, có những anh hùng tình báo từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến nay còn chưa được công bố.
Xem thêm: Tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh