"Cuộc đua ngầm" của các nàng dâu quanh mâm cỗ Tết
- Thứ ba - 10/01/2017 09:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bố mẹ chồng thở dốc vì... hoa
Nửa đêm, người ta thấy nhà ông Thắng, bà Nguyệt bỗng dưng sáng đèn, rồi ông bà xô nhau ra cửa, đứng thở dốc như người vừa thoát khỏi đám cháy nhà. Liền sau đó, họ thấy ông bà phải mở hết cửa sổ, bê hết hoa trong nhà ra ngoài hiên.
Rồi như sợ hoa bị lấy mất, ông bà lại phải thay phiên nhau bê ghế ra cửa ngồi canh. Cả đêm ấy, hai ông bà già ngoài 60 tuổi phải thức trắng, chung quy cũng chỉ tại mấy nàng dâu quá nhiệt tình.
Số là, ông bà có 3 người con trai. Người ta hay bảo “tam nam bất phú”, ấy vậy mà nhà ông bà lại rất khá giả, các con đều khôn lớn, phương trưởng, đến khi lập gia đình lại toàn lấy được những nàng dâu tốt, xuất thân gia giáo.
Các nàng dâu trong nhà bà đều đẹp người đẹp nết, cô nào cũng rất nhiệt tình với nhà chồng. Bởi thế mà cứ đến dịp lễ Tết, nhà ông bà lại vui như hội. Các nàng dâu đều tề tựu đông đủ, mỗi người một việc, lo chu toàn cái Tết cho bố mẹ.
Tết năm nay đặc biệt hơn mọi năm, vì đó cũng là dịp mừng thọ của ông bà. Đặc biệt như vậy nên 3 nàng dâu càng không thể xuề xòa cho qua. Còn cách Tết cả tháng trời, các cô đã tất bật chuẩn bị. Cô dâu cả đi công tác Đà Lạt, kì công mang một chậu hoa ly rất to ra tặng bố mẹ chồng trưng Tết.
Nàng dâu thứ 2 thấy vậy, không thể thua kém, bèn đi mua ngay mấy chậu hoa hồng Mộc Châu, bông nào bông nấy nở to như cái bát ăn cơm, hương thơm ngào ngạt, cũng biếu bố mẹ chồng chơi Tết.
Nàng dâu thứ 4 lẽ nào lại không mua gì, vậy là cô lại xăm xắn đặt ngay một chậu cúc đại đóa, nghe đâu là “hàng thửa” tận làng hoa Tây Tựu, cô phải nhờ người nói khó với chủ vườn, đặt tiền trước và mua với giá cao để được chậu hoa ưng ý, trang hoàng cho ngôi nhà cổ của bố mẹ chồng.
Ngặt nỗi, ngôi nhà của ông Thắng, bà Nguyệt vốn là nhà cổ trên phố cổ, chỉ rộng chừng hơn 3 chục mét vuông, vậy mà phải chứa tới 5-6 chậu hoa của các nàng dâu mang biếu, chậu nào cũng to, cũng nhiều hoa và cũng ngào ngạt.
Ban ngày mở cửa còn đỡ, ban đêm, ông bà già sợ gió máy, đóng hết cửa, hương hoa sực nức, tưởng như sắp chết ngạt. Không thở nổi, ông bà phải bê hết hoa ra ngoài đường để, nhưng lại sợ chẳng may mất chậu hoa nào thì khó ăn nói với con dâu, nên hai thân già lại phải thay phiên nhau thức để canh chừng.
Bội thực vì bữa Tết la liệt các món ăn
Gần đến Tết, ông Tài vẫn ra vào chăm vợ trong bệnh viện. Chả là bà bị rối loạn tiêu hóa đã mấy ngày nay. Tuổi già, sức yếu, nên khi bà đổ bệnh, các con nhất loạn đồng tình đưa bà vào viện cho yên tâm.
Trước đó mấy ngày, bà trót ăn quá nhiều món, mà lại toàn các món chẳng liên quan gì đến nhau, Đông Tây có đủ, nên mới ra nông nỗi này.
Nhà ông Tài có 4 nàng dâu. Trong đó có 2 nàng là đầu bếp. Nàng dâu trưởng làm bếp phó của một khách sạn 4 sao, còn nàng dâu thứ 2 cũng là bếp trưởng một nhà hàng có tiếng.
Thường ngày, cứ hễ 1 nàng đảm trách việc nấu nướng, thì nàng kia sẽ làm việc khác. Nhưng hôm rồi bà vợ ông Tài có lỡ lời đem các nàng dâu nhà mình ra so sánh với “con nhà hàng xóm”, gây ra sự ganh đua ngấm ngầm giữa các nàng. Nàng nào cũng nóng lòng muốn chứng minh mình giỏi giang, thạo việc.
Vậy là bữa Tết hôm đó, trong khi nàng dâu cả trổ tài nấu toàn món thuần Việt, thì nàng dâu 2 lại cho rằng ăn món Việt mãi cũng nhàm, nên để cho mọi người trong gia đình được đổi món, thưởng thức những món ăn phương Tây sẽ ngon miệng hơn.
Cuộc tranh cãi nổ ra, không ai chịu ai, bố mẹ chồng, các anh em nhà chồng cũng không dám đứng hẳn về phía ai vì sợ gây thêm mâu thuẫn. Thế là họ đành thống nhất, các cô nấu gì, mọi người sẽ ăn món đó!
Được dịp, cô nào cũng trổ hết tài nghệ, làm la liệt các món ăn. Hôm đó, hai chiếc bàn lớn trong nhà được “huy động” để bày cỗ mà vẫn không đủ hết các món.
Trong bữa ăn, cô dâu cả, cô dâu 2 thi nhau gắp cho bố mẹ chồng những món mình đã kì công chuẩn bị. Nể con dâu, sợ làm con dâu mất lòng nên ông bà cố ăn cho bằng hết.
Món nóng, món lạnh “choảng” nhau loạn xạ. Vợ ông Tài sẵn yếu bụng từ xưa, nên tối hôm ấy bà “gặp nạn” lớn, phải đưa vào viện truyền nước rồi nằm trong viện theo dõi mấy hôm mới được về.
Khổ nỗi, tưởng vào viện là “thoát”, ai dè, các nàng dâu lại thi nhau làm các món ăn bổ dưỡng mang vào viện để tẩm bổ cho mẹ chồng, nào là bồ câu hầm thuốc bắc, cháo vịt tiềm... Bà vợ ông Tài cứ nhìn thấy đồ ăn là lại nhăn mặt.