Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


BOT Cai Lậy: Thiếu minh bạch và bất hợp lý là nguyên nhân gây bức xúc

Bộ GTVT cho rằng việc đặt trạm BOT Cai Lậy trong phạm vi dự án, đúng vị trí và đã giảm giá phí cho người dân. Nhưng theo các chuyên gia, sự thiếu minh bạch và bất hợp lý tại các trạm BOT này mới chính là điều khiến người dân bức xúc.
BOT Cai Lậy: Thiếu minh bạch và bất hợp lý là nguyên nhân gây bức xúc
"Thứ trưởng Đông nói không sai nhưng chưa đúng"

Về quan điểm của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đưa ra cho rằng, vị trí trạm BOT Cai Lậy đặt trong phạm vi dự án, đúng quy định, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam đưa ra bình luận: "Thứ trưởng Đông nói không sai nhưng chưa đúng".

Theo ông Thanh, vị trí của trạm BOT Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án là không sai. Bộ Giao thông vận tải đã thỏa thuận đầy đủ với các bên, chính quyền địa phương cũng kí kết đầy đủ các văn bản. Mọi điểm đều hợp lý nhưng chưa đúng bản chất. Điểm chưa đúng là vị trí đó không hợp lý, chưa đúng chỗ cần đặt.

Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam phân tích, nhà đầu tư bỏ ra 1.000 tỷ đồng đường tránh và hơn 300 tỷ cải tạo quốc lộ 1 nhưng lại gộp cả hai hạng mục để thu phí cùng trên một trạm BOT. Người dân chỉ có thể đi được một trong hai con đường nhưng phải chịu mức phí đầu tư gộp cả hai dự án. 

"Bản chất có thể tách đường tránh và cải tạo Quốc lộ 1 thành hai dự án khác nhau. Khi thu hai mức phí khác nhau sẽ không ai phản đối", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, thực tế người dân không được tham gia vào quá trình dự toán dự án, đến khi trạm thu phí hoàn thành, người dân được đặt vào sự đã rồi.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, chính sự thiếu tính minh bạch và bất hợp lý của dự án đã gây bức xúc cho dân.

"Điều diễn ra ở Cai Lậy không phải là duy nhất, đây là một trong những dự án điển hình của sự thiếu minh bạch, thiếu thống nhất và coi nhẹ cơ chế kiểm soát của đối tượng thủ hưởng là người dân, doanh nghiệp", ông Liên nêu quan điểm.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều ngày 17/8, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Bộ GTVT không thể lấy ý kiến của từng người dân tại khu vực trạm BOT như phản ánh được.

"Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là đại diện cho nhân dân, chứ nhà đầu tư hay Bộ GTVT cũng không thể đi phát tờ rơi tới từng người dân để xin ý kiến", Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, sự thiếu minh bạch còn nằm ở con số thu chi tại các dự án BOT. Tuy rằng đa số các chủ đầu tư đều có hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng nhưng cơ chế lãi suất không được công khai, minh bạch.

Hai vị chuyên gia đều cho rằng có một hình thức thu kín, trả bằng thẻ sẽ công bằng minh bạch và giải quyết được cả câu chuyện dùng tiền lẻ. Tuy nhiên, hình thức này hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn thực hiện vì họ thu được ít lợi ích hơn.

Vấn đề tranh chấp phải được giải quyết bằng Luật

Cũng trong chiều qua, đại diện chủ đầu tư trả lời trước báo chí sẽ trả lại dự án BOT cho Nhà nước nếu di dời trạm BOT Cai Lậy. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định sẽ không di dời, không mua lại trạm BOT Cai Lậy.

Bình luận câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng khi đặt trạm, cơ quan quản lý Nhà nước đã đồng ý, tức là các bên tham gia đều phải chịu trách nhiệm. 

"Đối với dự án Cai Lậy, trách nhiệm trước hết phải xét theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, nếu có tranh chấp phải bị xử lý theo luật Dân sự, xử lý thực sự chứ không phải là đổ cho chính sách, cho cơ chế...", ông Thành nêu quan điểm. 

Về việc nhà đầu tư dọa bỏ dự án, ông Thanh cho rằng: Vấn đề này cần xem xét đến quyền của nhà đầu tư. Thực tế không đơn giản thế, nhà đầu tư cũng không dễ từ bỏ quyền lợi của mình. Còn trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải tới đâu đề nghị Chính phủ cho ý kiến.

Còn ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm theo các quy định về giới hạn, phạm vi đặt trạm thu phí. 

Để giải quyết triệt để tình trạng bất cập trong các dự án BOT, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng Nhà nước và chủ đầu tư cần phải tuân theo quy luật thị trường. Hiện nay có tình trạng Nhà nước đưa ra quy định ngặt nghèo không ai dám đấu thầu sau đó phải chỉ định thầu. Lúc này, nhà thầu lại đưa ra yêu sách thay đổi một số hạng mục dự án mới đầu tư.

"Nhà nước chỉ cần nêu yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng đường, sau đó đòi hỏi nhà đầu tư giải trình mức phí và thời gian thu phí. Các vấn đề khác như dự kiến đầu tư Nhà nước không cần can thiệp vào quá nhiều, không cần phải duyệt đến cả phí duy trì đường bộ", ông Thanh nói.

Vị chuyên gia phân tích, nhà nước dự kiến đầu tư 1.000 tỷ nhưng nếu nhà đầu tư muốn làm 1.200 tỷ cũng tùy họ, làm đường tốt hơn họ đỡ phải bảo trì trong thời hạn thu phí. Chỉ khi không đảm bảo chất lượng đường, Nhà nước mới cần can thiệp.

Nguồn tin: infonet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây