Doanh nghiệp lỗ 20 năm vẫn liên tục mở rộng hoạt động
- Thứ sáu - 13/07/2018 08:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay (10/7), Deloitte Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính tổ chức hội thảo chuyên đề về ưu đãi đầu tư và giao dịch liên kết nhằm cập nhật và chia sẻ với doanh nghiệp những góc nhìn và định hướng của các chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.
Xoay quanh câu chuyện thuế, các chuyên gia đã có những chia sẻ, bóc tách về vấn đề chuyển giá trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cách thức để các doanh nghiệp khai lỗ nhằm lách thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng các giải pháp để khắc phục vấn đề này.
"Chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không hiệu quả tại sao họ lại đầu tư như vậy", bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Thanh Tra, Tổng cục Thuế nói.Theo đại diện Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), có nhiều trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh trên 20 năm tại Việt Nam thua lỗ, nhưng vẫn liên tục mở rộng hoạt động.
Trong những năm gần đây, cơ quan thanh tra đã tập trung vào nhóm những doanh nghiệp thua lỗ liên tục và có dấu hiệu chuyển giá. Theo Phó vụ trưởng Thanh tra, các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới đều đã hiện diện tại Việt Nam. Trong số đó, phổ biến nhất vẫn là việc sử dụng các giao dịch liên kết để đẩy giá chuyển nhượng lên cao, hay còn gọi tên khác là chuyển giá.
Để xử lý những trưởng hợp này, cơ quan thanh tra đã kiểm tra, đối chiếu các số liệu của doanh nghiệp với thực tế để loại bỏ chi phí không hợp lý, giảm số lỗ mà các doanh nghiệp này khai báo. Theo bà Lan Anh, riêng trong hai năm 2015 - 2016, ngành thuế đã kiểm tra hai công ty lớn trong ngành bán lẻ có dấu hiệu chuyển giá và truy thu hơn 4.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2016 khi áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, cơ quan thanh tra đã truy thu hơn 600 tỷ đồng, giảm lỗ gần 5.200 tỷ. Năm 2017 sau khi thanh tra 734 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt thuế gần 2.300 tỷ đồng, giảm lỗ so với các doanh nghiệp kê khai hơn 7.100 tỷ đồng.
Nhắc đến câu chuyện chuyển giá, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho biết tình trạng chuyển giá đang có dấu hiệu gia tăng khi những số liệu phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI từ năm 2012 đến 2016 cho thấy số lượng doanh nghiệp báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%, đặc biệt là hai năm 2015 và 2016.
"Tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng phức tạp", đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc chuyển giá hiện nay không chỉ dừng ở việc chuyển lợi nhuận từ Việt Nam ra nước ngoài mà còn có cả chiều ngược lại. Chuyển lợi nhuận ngược của một bộ phận doanh nghiệp FDI về Việt Nam do được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế.
"Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, hay viễn thông, phần mềm", đại diện cơ quan này cho biết.
Dưới góc nhìn của cơ quan kiểm toán, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn Thuế, phụ trách Dịch vụ Thuế doanh nghiệp và Hải quan Deloitte Việt Nam cho rằng có nhiều cách để kiểm tra và xử lý vấn đề chuyển giá. Các cơ quan thuế có thể đối chiếu với số liệu từ cơ quan hải quan về những sản phẩm tương tự, làm việc với các cơ quan thuế ở nước sở tại, hoặc tìm hiểu từ báo cáo tài chính đa quốc gia của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, đại diện Deloitte Việt Nam cũng đánh giá việc phát hiện và khắc phục vấn đề chuyển giá thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến nhờ những thay đổi tích cực trong chính sách thuế.
"Sự nỗ lực trong công tác quản lý Thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Việt Nam, cùng nhiều chính sách mới được ban hành đã có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp FDI", ông Tuấn nói và cho biết những quy định quản lý với đơn vị có giao dịch liên kết tại Nghị định 20 và Thông tư 41/2017 đã giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề này.
Ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EuroCham), Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt trong quy định ở Việt Nam dường như nghiêm ngặt hơn, ví dụ như khống chế chi phí lãi vay được trừ, hay một số nội dung khác cần làm rõ.
Theo Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của EuroCham, nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận thì sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư, đồng thời sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế cũng như Chính phủ để đạt được sự chắc chắn của các khoản nợ thuế.
Minh Sơn