Hoành tráng Phạm Nhật Vượng, chưa bán xe đã có thêm trăm triệu USD
- Thứ năm - 04/10/2018 08:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việc hai mẫu xe VinFast ra mắt tại triển lãm ô tô lớn và lâu đời nhất thế giới: Paris Motor Show là một sự kiện lịch sử của Việt Nam. Sự kiện ghi nhiều dấu ấn được xem là kỷ lục với sự quan tâm đặc biệt của báo chí, truyền thông trong và ngoài nước. Hàng triệu người đã xem trực tiếp và đây là một điểm báo tốt lành.
Màn ra mắt ấn tượng của 2 mẫu xe khá đẹp, với những đối tác sản xuất đẳng cấp như: BMW, Land Rover và Pininfarina, Vinfast đã có một sự khởi đầu tốt hơn so với nhiều đối thủ trong khu vực.
Về mặt nhận diện, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực sự đã thành công. Tuy nhiên, hãng ô tô hơn 1 năm tuổi này vẫn còn nhiều điều phải làm ở phía trước và còn nhiều điều đáng lo ngại không biết tỷ phú số một Việt Nam có vượt qua được hay không?
Với một chiến dịch ra mắt rầm rộ chưa từng có, VinFast đã định vị thương hiệu trong mắt khách hàng trong và ngoài nước là ở phân khúc cao cấp. Nhưng chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến việc bán hàng cũng như sự thành công của hãng xe trong tương lai.
Khác biệt với các hãng xe 'ao làng' trong khu vực như nãng xe Proton của Malaysia cũng đã từng là một cái tên rất đình đám tại châu Á nhưng sau đó cũng chìm nhanh, VinFast có định hướng cao cấp hơn và có tốc độ triển khai thần tốc. Chỉ hơn 1 năm sau khi khởi công nhà máy VinFast, những mẫu xe đầu tiên đã ra mắt công chúng thế giới. Nếu không có gì thay đổi, 2 mẫu SUV và Sedan đầu tiên sẽ được bán vào quý 3/2019.Hiện tại, nhiều thông tin kỹ thuật của chiếc xe thương mại vẫn chưa được công bố và đây đều là những thông tin rất quan trọng quyết định đến chất lượng của xe, như: hệ thống điều khiển, độ an toàn... Một yếu tố khác quyết định đến sự thành bại của VinFast là giá cả. Gần đây, thị trường ô tô Việt Nam đón nhận khá nhiều mẫu SUV cũng như Sedan có giá trên dưới 1 tỷ và hấp dẫn khách hàng như của các hãng Mazda, Hyundai...
Thị trường cũng có những kỳ vọng tốt về sản phẩn của VinFast nhờ vào tiếng tăm của ông Vượng ở các mảng kinh doanh khác, cùng với niềm tin vào các đối tác danh tiếng như: Bosch, Magna Steyr, ABB và Siemens.
Trong ngày ra mắt hai mẫu xe, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng khá mạnh trở lại và đạt mức 102.000 đồng/cp. Cổ phiếu VHM của Vinhomes, doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup, cũng tăng lên 104.000 đồng/cp. Tài sản tỷ phú Vượng thêm hơn trăm triệu USD trong ngày VinFast ra mắt.
Vingroup là một ví dụ điển hình cho sự phát triển thần tốc. Dự án VinFast là một trong những ví dụ về sự phát triển này. Thành công còn ở phía trước nhưng đó là nỗ lực của tập đoàn hàng đầu Việt Nam.
Trong 10 năm qua, Vingroup ghi nhận tốc độ phát triển quy mô khủng khiếp, từ vài trăm triệu lên tới hàng chục tỷ USD. Lợi nhuận Vingroup tăng trưởng ở mức hàng ngàn phần trăm trong thập kỷ qua. Tỷ suất cho các NĐT lên tới 15-16 lần.
Tính theo số cổ phiếu trên sàn, ông Phạm Nhật Vượng hiện có túi tiền đạt 190 ngàn tỷ (8 USD). Còn theo tính toán của Forbes tới 2/10, ông Vượng có 6,4 tỷ USD, tụt khoảng 15 bậc so với hồi tháng 8 xuống hiện ở thứ 253 trên thế giới.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời vẫn còn khá lớn nhưng nhiều cổ phiếu blue-chíp đã giúp VN-Index tăng điểm.
Khối ngoại đã mua ròng hơn 10 ngàn tỷ đồng chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận Masan (MSN).
Nhóm dầu khí tăng điểm nhờ giá dầu lên, trong khi cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng... chịu áp lực giảm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong các phiên tới thị trường có thể tiếp tục có các diễn biến tăng giảm đan xen với sự phân hóa giữa các nhóm ngành. CTCK Rồng Việt nhìn thấy tín hiệu đầu tiên đối với xu hướng tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/10, VN-index tăng 5,91 điểm lên 1018,79 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm xuống 115,00 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm xuống 54,2 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 440 triệu đơn vị, trị giá 18,5 ngàn tỷ đồng.