Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


Ba thập kỷ sửa chưa xong một lỗi cồng kềnh

​​​​​​​Nếu cứ loay hoay với tiêu chí “bộ quản lý ngành hoặc đa ngành”, và “bộ - sở tương thích” thì lỗi cồng kềnh của bộ máy hành chính sẽ không thể kết thúc. 
Ba thập kỷ sửa chưa xong một lỗi cồng kềnh


LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Tại diễn đàn Quốc hội cuối tháng 5/2019, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo về việc tạm dừng để có sự điều chỉnh đối với việc sáp nhập sở ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh) theo tinh thần Nghị quyết 18-TW và kết luận 34-BCT. 

Sở dĩ có sự điều chỉnh này là vì năm 2018 việc sáp nhập sở đã được triển khai thực hiện khác nhau tại một số tỉnh. Để khắc phục, hướng điều chỉnh là cần phân biệt về 2 loại sở cứng và mềm. Loại sở cứng thì không sáp nhập để bảo đảm thống nhất trong cả nước, gồm: Tư pháp, Lao động - Thương binh xã hội, Tài nguyên - Môi trường, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Thanh tra, Nội vụ, Văn phòng UBND; Loại sở mềm, thì có thể sáp nhập hoặc hợp nhất đối với những sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng gồm: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn.                                                                                                        

Vậy là, đã qua ba thập kỷ mà sửa chưa xong một lỗi cồng kềnh của bộ máy hành chính nhà nước. Lỗi này bắt nguồn từ quy chế “kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ”, theo đó Trung ương có bộ ngành nào thì địa phương có sở ngành đó. Quy chế này có từ Nghị định 24-CP năm 1976 “về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền nhà nước cấp tỉnh”. 

Quy chế đó dẫn đến việc thiết lập bộ máy quản lý khá đồ sộ, trong đó: ở Trung ương có tới trên 30 bộ và cơ quan ngang bộ (sau đây viết tắt là “bộ”) có chức năng quản lý ngành và đa ngành; Ở cấp tỉnh có tới trên 20 sở, ban, ngành (sau đây viết tắt là “sở”) tương ứng.  Bộ máy đó tuy đồ sộ nhưng thích hợp với cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp thời đó. 

Công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay đã lập được nhiều thành tựu có tính lịch sử, trong đó có dấu ấn về xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa trên đây. Tuy nhiên, lỗi cồng kềnh của bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn đó. Hiện nay, ở Trung ương đang có 22 bộ ngành và đa ngành, còn ở cấp tỉnh, đang có 17 sở cùng tên với các bộ ở Trung ương. Riêng các thành phố lớn còn có thêm 2 sở là Ngoại vụ, và Quy hoạch - Kiến trúc; các tỉnh nhiều dân tộc có thêm Ban Dân tộc. 

Việc sáp nhập sở từ chủ trương của Nghị quyết 18-TW và kết luận 34-BCT đã đem lại một luồng gió mới, hy vọng xua đi trạng thái không nhúc nhích về sự cồng kềnh trong bộ máy hành chính của nhà nước tồn tại đã hơn ba thập kỷ, nay lại bị tạm hoãn. Vậy vì đâu dẫn đến thực trạng loay hoay này?

Không khó để trả lời rằng đó là vì bộ máy hành chính nhà nước chưa thoát ra được mô hình “bộ quản lý ngành hoặc đa ngành”. Theo mô hình này, có thời kỳ đã có tới 5 bộ công nghiệp (Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Mỏ - Than, Bộ Điện lực, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công nghiệp nhẹ), đã có tới 5 bộ nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi, Bộ Thủy sản, Bộ Lương thực), 2 bộ thương mại (Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương),… 

Trong quá trình Đổi mới, hệ thống cơ quan bộ đã được thu gọn, nhập 7 bộ thành Bộ Công - Thương, nhập 5 bộ thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bước tiến như thế thật đáng khích lệ, nhưng rõ ràng là chưa đi tới cùng, bởi trong thành phần Chính phủ tới nay vẫn còn tới 22 bộ ngành và đa ngành. Đối tượng của nền hành chính nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho nền kinh tế - xã hội chứ không phải là quản lý ngành hoặc đa ngành.  

Mặt khác, trong nền kinh tế với các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, các ngành đang tự liên kết theo chiều dọc, chiều ngang, thậm chí đan chéo vào nhau để phát triển bền vững với tốc độ cao và hiệu quả chưa từng có. Kinh tế thủy hải sản đâu chỉ là chăn nuôi (nông nghiệp), mà còn là đánh bắt và chế biến (công nghiệp), lưu thông và phân phối (thương mại), đầu tư và tích lũy (tài chính, tiền tệ), giống mới và chất lượng cao (khoa học công nghệ)… Việc kiểm soát vệ sinh thực phẩm làm sao thực hiện được nếu chỉ giao riêng cho Bộ Y tế, hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc Bộ Công thương. 

Đặc biệt, tính liên ngành đã thể hiện rất rõ ràng ngay tại cấp doanh nghiệp là tập đoàn hoặc tổng công ty. Các doanh nghiệp này kinh doanh không ranh giới giữa công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, đầu tư…, thậm chí không e ngại kinh doanh các sản phẩm từ thượng vàng đến hạ cám, miễn là đạt mục tiêu hiệu quả. 

Việc tiếp tục duy trì mô hình bộ quản lý ngành hoặc đa ngành đã không chỉ lạc hậu so với những tiến triển nhanh chóng trên thực tiễn mà còn làm gia tăng lỗi cồng kềnh đã có của bộ máy hành chính nhà nước. 

Đó còn là vì phân cấp hành chính giữa Trung ương và địa phương chưa thoát khỏi mô hình “Trung ương có bộ nào thì địa phương có sở đó”. Nói chưa thoát khỏi là bởi chỉ vừa bắt tay vào sáp nhập thì đã phải dừng lại vì ngại không tương thích với các bộ đang có ở Trung ương. Làm sao có thể tương thích được trong khi các bộ ở Trung ương chưa thoát khỏi lỗi cồng kềnh đã và đang có. 

Hơn nữa, giữa các tỉnh đang còn có sự chênh lệch rất cao về quy mô kinh tế, dân số, diện tích. Riêng về dân số, trong khi nhiều tỉnh chỉ có trên dưới 600 nghìn dân, thì nhiều tỉnh khác đã có trên 1 triệu dân, thậm chí có thành phố trên 10 triệu dân. Những yếu tố trên đây khiến việc duy trì mô hình “Trung ương có bộ nào thì địa phương có sở đó” không chỉ không phù hợp với thực tiễn về mối quan hệ Trung ương - địa phương, mà còn không phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương. 

Vậy là, nếu cứ loay hoay với tiêu chí “bộ quản lý ngành hoặc đa ngành”, và “bộ - sở tương thích” thì lỗi cồng kềnh của bộ máy hành chính sẽ tồn tại, không thể đi đến kết thúc được. Ở thập kỷ 90, Việt Nam đã sáp nhập 5 bộ công nghiệp và 2 bộ thương mại để lập ra Bộ Công thương ngày nay; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trải qua quá trình tương tự. 

Đây là một thực tiễn rất đáng được tổng kết đích đáng để đi tiếp trong thực hiện xóa bỏ một lỗi của bộ máy hành chính nhà nước, đó là lỗi cồng kềnh. Việc này tuy khó khăn, phức tạp, nhiều rủi ro và đầy thách thức, nhưng đã hé lộ không ít phương án đã ít nhiều có tiền lệ. 

Đầu tiên, ở Trung ương, vẫn cần duy trì và hoàn thiện những bộ có tính chất phổ quát trên thế giới như bộ: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (hoặc Ngân hàng trung ương), Thanh tra, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao, An ninh, Quốc phòng, Văn phòng chính phủ. 

Thứ hai, nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đúng khi dùng cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội” trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án… phát triển đất nước. Cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội” đủ để thay thế cho một tổng thể phát triển gồm: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, môi trường, dân tộc. 

Kinh tế tuy nhiều ngành nhưng tụ lại thành một lĩnh vực có chung một mẫu số là Kinh tế thị trường. Xã hội cũng gồm nhiều ngành, nhưng tụ lại thành một lĩnh vực có mẫu số chung là Dân chủ, Công bằng, Văn minh. Như vậy, kinh tế và xã hội là hai đối tượng cần được thành lập bộ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện việc cung cấp những dịch vụ công, trong đó quan trọng là các dịch vụ kiến tạo phát triển. Thu gọn bộ máy này tới nấc cuối cùng là mô hình chỉ gồm vài ba bộ Kinh tế, vài ba bộ Xã hội. Theo đó, tổng số bộ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội chỉ trên dưới 6 đơn vị, không cần nhiều như hiện nay.  

Thứ ba, sau khi hệ thống các bộ ở Trung ương được thu gọn thì tiến hành thu gọn hệ thống các sở tại cấp tỉnh theo nguyên tắc không nhất thiết ở Trung ương có bộ nào thì địa phương phải có sở đó. Đối với các bộ được thành lập theo tính phổ quát trên thế giới thì ở tỉnh chỉ cần thành lập cơ quan Thanh tra, Nội vụ, và Văn phòng UBND; Các bộ còn lại được tổ chức theo ngành dọc, theo đó có chi nhánh tại cấp tỉnh (với tên gọi như: Chi nhánh, Cục, Bộ chỉ huy…). Đặc biệt, Sở Tài chính nhất thiết không tái lập tại cấp tỉnh, bởi tại đây, Bộ Tài chính đã có Cục thuế, Cục Hải quan, Kho bạc tỉnh, còn các nhiệm vụ khác có thể giao cho một sở khác (như Sở Kế hoạch và Đầu tư). 

Đối với trên dưới 6 bộ về lĩnh vực kinh tế và xã hội ở Trung ương thì tùy theo quy mô kinh tế, dân số, diện tích của mỗi tỉnh để thành lập các sở ở tỉnh. Các thành phố trực thuộc Trung ương có thể thành lập các sở tương thích với các bộ ở Trung ương; Còn các tỉnh không nhất thiết phải thành lập các sở như các thành phố trực thuộc Trung ương cả về số lượng sở và tên gọi của sở. 

Ba thập kỷ sửa chưa xong một lỗi cồng kềnh của bộ máy hành chính nhà nước. Vẫn biết rằng bộ máy này không chỉ có lỗi đó, nhưng nếu loại bỏ được thì các lỗi khác hoặc là sẽ tự mất theo, hoặc là sẽ bị loại dễ dàng hơn so với lâu nay, đặc biệt về lỗi thủ tục hành chính, lỗi cung cấp dịch vụ công, lỗi kiến tạo. 

 

Tác giả bài viết: Tiến sỹ Đinh Đức Sinh

Nguồn tin: VIETNAMNET

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây