Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành nhiều đề án lớn trình Bộ Chính trị
- Thứ sáu - 12/07/2019 11:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ban Kinh tế Trung ương cần huy động tốt nhất nguồn trí tuệ, chất xám trong nước lẫn quốc tế để phát huy vai trò tham mưu, hoạch định chiến lược.
Ngày 11/7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019.
Tham dự có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các phó trưởng ban Cao Đức Phát, Triệu Tài Vinh, Trần Sỹ Thanh cùng đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trình Bộ Chính trị đề án về chính sách tham gia cách mạng công nghiệp
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh Ban đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án quan trọng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, Ban phối hợp nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng các báo cáo được thực hiện hiệu quả.
Đầu năm 2019, Ban Kinh tế đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
Hoàn thành đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Trung ương khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Đề án “Tổng kết 10 năm 2006-2016 việc thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững" để trình Bộ Chính trị họp, dự kiến cho ý kiến vào 7/2019.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, Ban tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện cơ bản Đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến vào tháng 8/2019.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát
Một trong những nhiệm vụ được giao cho Ban Kinh tế xây dựng và trình Bộ Chính trị trong năm 2019 là đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Ban Kinh tế cũng tiếp tục hoàn thiện cơ bản đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến vào tháng 8/2019.
Huy động chất xám, trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước
Kết luận Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá 6 tháng qua, Ban Kinh tế đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác năm 2019 đề ra và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện kinh tế quan trọng, tạo sức lan tỏa.
Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều đề án lớn, quan trọng theo nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết…
Chỉ đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Ban cần tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong 6 tháng cuối năm, trong đó, hoàn thành các đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, tham gia xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng mà trọng tâm là hoàn thành cơ bản hệ thống quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ban cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô định kỳ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, theo ông Bình, Ban Kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, huy động tốt nhất kinh nghiệm và nguồn trí tuệ, chất xám trong nước và quốc tế, góp phần phát huy vai trò của Ban Kinh tế Trung ương trong tham mưu hoạch định chiến lược các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội của đất nước.