Tin tức Giáo dục, cập nhật liên tục 24h

https://nau.edu.vn


Đưa thi thể 2 phi công trong vụ rơi máy bay về nhà tang lễ: Những đứa trẻ khóc nấc gọi tên cha

Trong ngồi nhà nhỏ cuối xóm, các con của Trung tá Khuất Mạnh Trí liên tục khóc nấc gọi tên cha khiến những người có mặt không khỏi đau đớn, xót xa…
Đưa thi thể 2 phi công trong vụ rơi máy bay về nhà tang lễ: Những đứa trẻ khóc nấc gọi tên cha

Huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm thi thể 2 phi công gặp nạn

Tối 26/7, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phong tỏa hiện trường máy bay Su-22 bị rơi tại làng Dừa, thuộc xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để thu thập các mảnh vỡ và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Trong ngày, trên địa bàn xã Nghĩa Yên trời mưa rất to, khiến cho đường lầy lội ảnh hưởng đến việc tiếp cận hiện trường. Đặc biệt, nơi chiếc máy bay gặp nạn nằm trên núi thuộc địa bàn xã Nghĩa Yên, giáp huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Để vào được hiện trường phải di chuyển qua con đường lầy lội dài khoảng 5km. Trong đó, có khoảng 3km đường rất hẹp, bùn trơn trượt, ô tô không thể vào và phải di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ. Vì vậy, chỉ có thể dùng sức người để tìm kiếm 2 phi công, cùng các mảnh vỡ máy bay.

Sau sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã huy động toàn bộ dân quân tự vệ địa phương giúp đỡ quân đội và công an cùng tìm kiếm người gặp nạn. Sau nhiều giờ cố gắng, cơ quan chức năng cuối cùng cũng tìm thấy thi thể 2 phi công.

Khu vực phát hiện chiếc máy bay quân sự Su-22 rơi tại Nghệ An. Ảnh người dân cung cấp

Khu vực phát hiện chiếc máy bay quân sự Su-22 rơi tại Nghệ An. Ảnh người dân cung cấp

Vào khoảng 19h40 cùng ngày, xe chở thi thể của 2 phi công đã rời hiện trường để trở về nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 4, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Đến 21h45 cùng ngày, chiếc xe chở thi thể đã về đến nhà tang lễ.

Liên quan đến vụ việc, bộ Quốc phòng phát đi thông tin chính thức vụ máy bay rơi ở Nghệ An khiến 2 phi công hy sinh. Lúc 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35.

Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí (SN 1978), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; và thượng tá Phạm Giang Nam (SN 1972), Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Những đứa trẻ thơ bỗng chốc mồ côi cha

Tối cùng ngày, có mặt tại gia đình Trung tá Khuất Mạnh Trí ở tổ dân phố Trưng Vương, phường Lê Lợi, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, có rất đông người thân, đồng đội, bạn bè, hàng xóm tới chia sẻ, động viên nỗi đau mất mát với thân nhân phi công này.

Rất đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp tới chia sẻ, động viên thân nhân phi công Khuất Mạnh Trí.

Rất đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp tới chia sẻ, động viên thân nhân phi công Khuất Mạnh Trí.

Từ khi nhận được tin con trai hy sinh, mẹ đẻ anh Trí không thôi nghẹn ngào. Vị trung tá 40 tuổi này vừa mới quay trở lại công tác sau kỳ nghỉ phép được ít hôm. Tin dữ về phi công Trí khiến gia đình, người thân của vị trung tá quân đội quá bất ngờ, đau đớn.

Chị Khuất Minh (em Trung tá Trí) cho biết, chị nhận được tin dữ của anh từ mẹ đẻ. Lúc đó chị không nghĩ là máy bay rơi. Chia sẻ về anh trai, chị Minh nói từ khi bố mất, anh Trí là người con cả trong gia đình và là chỗ dựa, trụ cột của mẹ, vợ và em gái.

Lối vào ngôi nhà phi công tử nạn.

Lối vào ngôi nhà phi công tử nạn.

Trước đó, lần nào nghe tin có máy bay rơi, người phụ nữ này cũng nhắn hỏi phi công Trí rằng anh có ổn không. Đáp lại, trung tá phi công 40 tuổi lúc nào cũng nhắn lại: “Cô yên tâm, anh bay ổn”.

Tới ngày 26/7, khi nghe tin có máy bay rơi, chị Minh gọi cho anh như mọi lần nhưng điện thoại anh thuê bao không liên lạc được.

Mẹ đẻ Trung tá Khuất Mạnh Trí bàng hoàng trước tin dữ về con trai hy sinh.

Mẹ đẻ Trung tá Khuất Mạnh Trí bàng hoàng trước tin dữ về con trai hy sinh.

Cũng theo chị Minh chia sẻ, anh Trí sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn Tây. Là người anh cả trong gia đình, từ nhỏ anh Trí rất chăm học và luôn lo lắng, quan tâm tới mọi người trong gia đình. Tốt nghiệp cấp 3, anh đỗ Đại học Bách khoa và Học viện Phòng không nhưng lại chọn theo nghiệp bố, vào quân đội. Từ đó, anh bay liên tục, ít về nhà.

Trung tá Khuất Mạnh Trí đã có số giờ bay tích lũy là 1.130 giờ 37; giờ bay trong năm là 111 giờ 08; từng bay qua các loại máy bay: L- 39. MiG - 21, Su-22…

Qua hỏi chuyện từ những người hàng xóm của gia đình anh Trí, họ bày tỏ sự yêu mến, thiện cảm với phi công này. “Anh Trí rất hiền, rất tốt. Mới tuần trước anh về nhà nghỉ phép, rửa xe ở nhà tôi. Phải nói là anh ấy sống rất thân thiện, hài hòa”, một người hàng xóm nói.

Nhiều đồng đội của trung tá Trí cũng tìm về địa phương chia sẻ cùng gia đình anh.

Nhiều đồng đội của trung tá Trí cũng tìm về địa phương chia sẻ cùng gia đình anh.

Cũng theo chia sẻ của người dân xung quanh, khi biết được thông tin Trung tá Khuất Mạnh Trí hy sinh tại Nghệ An, họ thực sự quá bàng hoàng. Tổ trưởng tổ dân phố Trưng Vương còn liên tục nhắc với chúng tôi rằng: "Anh Trí vốn tính điềm đạm, khiêm tốn, đặc biệt sống tình cảm nên được từ người già đến trẻ nhỏ yêu mến...".

Do bố mất sớm, anh Trí trở thành trụ cột trong gia đình để chăm sóc mẹ già, vợ cùng hai con nhỏ. Nhìn hai cháu bé đang độ tuổi tiểu học khóc nấc khi sớm phải chịu cảnh mồ côi cha khiến mọi người không cầm được nước mắt…

Chị Nguyễn Thị Thục (37 tuổi, vợ Trung tá Trí, công tác tại Bưu điện Thị xã Sơn Tây) từ khi nhận được tin dữ liên tục khóc ngất khiến mọi người không thể trò chuyện, hỏi han.

Đêm cùng ngày, vẫn có rất đông hàng xóm qua lại, chia sẻ cùng gia đình Trung tá Trí.

Đêm cùng ngày, vẫn có rất đông hàng xóm qua lại, chia sẻ cùng gia đình Trung tá Trí.

Về phía Thượng tá Phạm Giang Nam – Chủ nhiệm an toàn bay của Trung đoàn Không quân 921, anh đã có vợ và 2 con.

Vì là lính không quân nên anh Nam đều đặt biệt hiệu cho các con theo loại máy bay. Bé gái anh gọi là bé Su, bé trai gọi là bé Mích, cả 2 bé đều rất khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Vợ Thượng tá Nam hiện là phát thanh viên Đài PTTH Thái Bình. Chiều tối 26/7, xe của quân đội đã về Thái Bình đón vợ cùng một số người thân của anh Nam vào miền Trung để lo công việc hậu sự…

Được biết, Thượng tá Phạm Giang Nam có số giờ bay tích lũy là 1178 giờ 32; giờ bay trong năm là 106 giờ 58; đã bay qua các loại máy bay: L-39. MiG - 21Bis, Su - 22M.

Xem xét công nhận 2 phi công là liệt sĩ

Trao đổi với PV, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương để thực hiện chính sách công nhận liệt sĩ cho 2 phi công là Trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và Thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện các đơn vị chức năng đã đưa thi hài 2 phi công về Quân khu 4 và đang làm thủ tục lo hậu sự cũng như các chế độ chính sách cho 2 phi công hy sinh.

Nhật Tân – Ngọc Tuấn

TAG: Tin tức Nghệ An, Tin Tức Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh

Nguồn tin: GĐVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây