Ông Hoàng Tiến Đức không xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú
- Thứ hai - 03/06/2019 07:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điều tréo ngoe là sau lời khai “xem điểm trước” cho 8 thí sinh thì ông Đức lại phủ nhận lời khai của chính mình để thay đổi lời khai với cơ quan điều tra?
Trước bê bối tiêu cực sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục đã luôn tránh mặt với các phóng viên, thậm chí còn xin nghỉ phép khi cơ quan điều tra tìm ra 44 thí sinh gian lận.
Chúng tôi tự hỏi rằng, không biết ông Đức đang đóng vai trò gì trong ngành giáo dục của tỉnh Sơn La?
Bởi, với một người đang đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh mà ông đã quá bàng quan khi mà hàng loạt cấp dưới bị truy tố, bắt giam, thậm chí họ còn khai ra ông Giám đốc đã đích thân “gửi gắm” 8 thí sinh để can thiệp điểm thi!
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục Sơn la (người đang đứng), ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Một Giám đốc Sở đang…mất uy tín!
Không phải thời điểm bây giờ dư luận đang hướng vào thì ông Hoàng Tiến Đức mới mất uy tín mà ông mất uy tín từ nhiều tháng nay rồi.
Không chỉ mất uy tín với nhân dân mà ông Đức còn mất uy tín với Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khi bị “đội sổ” phiếu tín nhiệm thấp vào ngày 7/12/2018.
Theo kết quả công bố tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XIV diễn ra ngày 7/12/2018 về việc lấy phiếu tín nhiệm 30 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ nhận được 6/70 phiếu tín nhiệm cao (chiếm tỉ lệ 8,45%), trong khi có đến 39/70 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm tỉ lệ gần 55%).
Vì thế, ông Đức là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong danh sách 30 người được lấy phiếu tín nhiệm ở Sơn La lúc bấy giờ!
Điều rất đặc biệt là từ lúc cơ quan điều tra cung cấp kết quả điều tra tiêu cực trong kỳ thi năm 2018, Sơn La được xác định là đã có 44 thí sinh được sửa điểm thì ông Hoàng Tiến Đức luôn “giữ quyền im lặng” trước dư luận.
Nhiều phóng viên tìm cách liên lạc với ông Đức nhưng không được. Giữa “tâm bão” dư luận như vậy thì ông Đức bất ngờ làm đơn xin nghỉ phép 8 ngày?
Mọi công việc điều hành của Sở để mình ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc đảm trách. Trớ trêu ở chỗ, ông Hoàng cũng là người có con được nâng khống điểm thi trong năm 2018!
Như vậy, xét về vai trò người đứng đầu ngành giáo dục Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức đã không làm tròn trách nhiệm. Ông Đức không dám đương đầu với những bê bối mà ngành của mình đang xảy ra.
Những hậu quả của việc gian lận điểm, ông không không dám đối mặt để giải quyết. Nhưng, những “uẩn khúc” bên trong bây giờ thì dư luận cũng đã lờ mờ hiểu được!
Điều đáng buồn là khi cấp phó khai ra ông Hoàng Tiến Đức đã “gửi gắm” 8 thí sinh nhằm sửa điểm thì ông Đức đã khai với cơ quan điều tra là mình chỉ “nhờ xem điểm” trước.
Ba ông Giám đốc Sở Giáo dục còn danh dự và tự trọng thì từ chức đi
Mấy năm nay, khi chấm thi xong thì Bộ, Sở công bố kết quả thi tức thì nên phụ huynh cần gì phải nhờ người “bắc cầu” đến Giám đốc Sở để được xem điểm trước một vài ngày cho phiền toái?
Hơn nữa, ông Đức cũng chẳng dại gì mà lại phải “khổ tâm” là đưa danh sách cho cấp phó của mình “xem điểm trước” làm gì? Điều tréo ngoe là sau lời khai “xem điểm trước” cho 8 thí sinh thì ông Đức lại phủ nhận lời khai của chính mình để thay đổi lời khai với cơ quan điều tra?
Rõ ràng, ông Đức đã không làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phân công, giao phó mà ông Đức còn không làm trọn “chữ tình” với cấp dưới của mình.
Việc ông phủ nhận mình “gửi gắm” 8 thí sinh để nâng điểm cũng đồng nghĩa với việc ông Đức đang đổ thêm tội lỗi cho cấp phó Trần Xuân Yến!
Một Nhà giáo ưu tú chưa…ưu tú!
Trước khi xảy ra sự việc tiêu cử ở Sơn La mấy tháng, vào ngày 20/11/2017, ngành giáo dục Sơn La tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong ngày lễ kỷ niệm này, ông Hoàng Tiến Đức là một trong 5 người ở Sơn La được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Để đạt được danh hiệu Nhà giáo ưu tú thì cũng đồng nghĩa với việc ông Hoàng Tiến Đức đã có một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ mới được trao danh hiệu này.
Bởi, tại mục 2, 3 của Điều 9, Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 quy định về tiêu chuẩn xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú như sau:
“Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng;
Đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Ông Hoàng Tiến Đức nên từ chức!
Đã 07 lần được tặng danh hiệu“Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu“Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng;
01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ”.
Thế nhưng, chỉ sau khi được phong tặng Nhà giáo ưu tú thì ông Hoàng Tiến Đức lại có những hành động khó hiểu khi tiêu cực của kỳ thi năm 2018 xảy ra.
Đặc biệt nhất là khi báo chí đăng tải thông tin lời khai của ông Trần Xuân Yến thì ông Đức đã trả lời Báo Người đưa tin bằng những ngôn từ và thái độ không phù hợp với những gì đang có.
Ông Đức đã tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc về chuyện này nên đã nói: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy” rồi cúp máy.
Việc có hay không chuyện ông Đức “gửi gắm” 8 thí sinh thì đã có cơ quan điều tra trả lời sau này.
Nhưng, với một người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, một người là Giám đốc Sở Giáo dục và là một Nhà giáo ưu tú thì cách trả lời bằng ngôn phong và thái độ như vậy có lẽ không hề đẹp chút nào.
Phải chăng ông Hoàng Tiến Đức đang cảm thấy bất an “một điều gì đó” nên mới hành xử như vậy?
Nhưng, một người có chức, có quyền, có danh như ông Hoàng Tiến Đức mà hành xử như vậy liệu ông có xứng đáng với cương vị Giám đốc Sở và một Nhà giáo ưu tú hay không?