Phát ngán với hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu vô chủ
- Thứ tư - 11/07/2018 07:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 3.000 container vô chủ
Bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý lượng hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái.
Theo đó, Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tập trung rà soát các container hàng đã cập cảng trên 30 ngày để đối chiếu với hãng tàu, sau đó làm thủ tục phân loại hàng hóa. Tính đến nay, qua xác minh, đối chiếu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xác định có hơn 3.000 container hàng hóa lưu tại cảng Cát Lái trên 90 ngày chưa có người nhận.
“Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thông báo tìm chủ của 2.514 container hàng. Trước đó, chúng tôi cũng đã thông báo truy tìm chủ nhân của 534 container hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái nhưng chưa có người đến nhận”, bà Phạm Thị Lèo nói.
Toàn bộ số container hàng nêu trên đã cập cảng từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, đến nay đã quá hạn trên 90 ngày nhưng chưa có người đến làm thủ tục nhận hàng. Phần lớn số hàng tồn đọng nêu trên là mặt hàng phế liệu nhựa.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đơn vị này đã thông báo công khai số hàng tồn nêu trên đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm thủ tục nhận hàng. Nếu quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo thì Hội đồng xử lý hàng tồn đọng Cục Hải quan TPHCM sẽ xử lý theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính.
Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xử phạt hành chính Công ty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM 30 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp này tái xuất toàn bộ hàng vi phạm. Đây là đơn vị nhập hơn 30 tấn phế liệu đã qua sử dụng như bo mạch hư hỏng, dây diện, mô tơ… Toàn bộ lô hàng không đạt chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu theo quy định.
Lô hàng phế liệu hơn 30 tấn gồm các bo mạch hư hỏng, dây diện, mô tơ…không đạt chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu theo quy định đã bị các cơ quan chức năng buộc tái xuất.
Đau đầu tìm giải pháp
Theo Cục Hải quan TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu “vô chủ”.
Nguyên nhân thứ nhất là do Trung Quốc ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1/1/2018. Nguyên nhân thứ hai là doanh nghiệp nhập khẩu không tuân thủ đúng các quy định hiện hành nên đành bỏ hàng tại cảng khi không xin được giấy xác nhận, gây tồn đọng tại cảng.
Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng cho rằng, việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (GXN) chưa thống nhất cũng đang gây khó khăn cho cơ quan hải quan.
Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất quy định, việc cấp GXN do một trong hai đơn vị cấp gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố.
Nhưng trên thực tế thì có tỉnh vẫn ủy quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GXN gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc theo dõi số lượng phế liệu.
Nhiều nhà nhập khẩu nhập phế liệu nhưng chưa được cấp GXN dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu được.
Thời điểm hiện tại, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và một số doanh nghiệp kinh doanh tại cảng đã thông báo cho các hãng tàu về việc tạm dừng tiếp nhận hàng phế liệu vào cảng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, đây chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời nhằm giảm ùn tắc hàng hóa tại các cảng chứ không phải là giải pháp lâu dài. Bởi hiện nay chưa có quy định nào về việc cấm hoặc các điều kiện phải có khi vận chuyển và tiếp nhận các lô hàng là phế liệu nhập khẩu vào cảng.
Hải quan TPHCM cũng kiến nghị các bộ như: Bộ Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện và xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển hàng hóa cấm hoặc xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện đối với việc vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa.
Hải quan TPHCM đang tìm nhiều giải pháp để “chống chọi” với phế liệu nhập khẩu “vô chủ” nằm án ngữ tại các bên cảng.
Bên cạnh đó, Hải quan thành phố cũng kiến nghị cần phải đưa ra quy định cụ thể cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp. Cụ thể như: doanh nghiệp phải cung cấp thông tin hàng hóa, chứng minh hàng hóa đủ điều kiện và được phép nhập khẩu kèm theo cam kết không gửi hàng cấm cho hãng vận chuyển.
Những việc nói trên nhằm hạn chế tình trạng các hãng tàu, hãng vận tải dù biết là hàng cấm, hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện vào lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều hệ lụy khiến cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý, gây tốn kém và bị động.
Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng kiến nghị các Bộ phải thay đổi về phương pháp cấp phép, quản lý như: thẩm quyền, thủ tục cấp phép, công tác kiểm tra, biện pháp ngăn chặn… để thực thi, quản lý thống nhất.
Đại Việt