Thị xã Hoàng Mai: Có ưu ái cho Doanh nghiệp “hoàn thổ” theo kiểu đối phó?
- Thứ sáu - 28/06/2019 08:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện trạng mỏ đá lèn Chùa tại phường Quỳnh Xuân sau khi khai thác xong là một hồ nước sâu hoắm do Doanh nghiệp khai thác vượt cốt 0 hàng chục mét.
Thế nhưng, thay vì yêu cầu Doanh nghiệp phải cải tạo phục hồi môi trường bằng cách lấp lại để đưa mỏ về trạng thái an toàn thì cơ quan chức năng lại phê duyệt cho “hoàn thổ” bằng cách rào xung quanh một cách khá sơ sài.
Trước đây, mỏ đá lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép khai thác đá cho các công ty gồm: Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Xuân Quỳnh. Đến cuối năm 2016, Công ty TNHH Xuân Quỳnh đã hết thời hạn được cấp phép khai thác và đã chấm dứt việc khai thác đá xây dựng tại đây.
Còn 2 Công ty sau đó vẫn khai thác là Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đã phát hiện ra 2 đơn vị này có nhiều sai phạm. Cụ thể, theo Kết luận số 47/TB-UBND, ngày 1/12/2016 của UBND phường Quỳnh Xuân, qua số liệu đo đạc của đơn vị tư vấn thiết kế, một số điểm các công ty đã khai thác vượt quá độ sâu giới hạn cho phép, khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép.
Trong đó, Công ty TNHH Xuân Hùng khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép so với cốt 0 là 17,8m (từ mặt đất đào sâu xuống 17,8m để lấy đá - P.V); diện tích khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép là 5.500 m2. Công ty TNHH Thanh Xuân khai thác độ sâu quá mức quy định cho phép so với cốt 0 là 11,8 m; diện tích khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép là 3.700m2.
Từ những sai phạm trên, tháng 2/2017, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản”. Số tiền mỗi công ty bị UBND tỉnh xử phạt lên đến 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu, nhưng rồi các doanh nghiệp không thực hiện phục hồi hiện trạng. Đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyền khai thác khoáng sản tại mỏ Lèn Chùa của tất cả các Doanh nghiệp nói trên.
Ngày 6/11/2018, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký các quyết định phê diệt đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa (phường Quỳnh Xuân). Với quyết định này, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thổ đất để lấp bằng khu mỏ thì UBND tỉnh Nghệ An lại cho phép để nguyên hiện trạng sau khai thác là hố nước sâu trong khu vực mỏ rồi dựng hàng rào xung quanh, cắm biển cảnh báo để người dân không đến khu vực mỏ...
Diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Xuân Hùng là 3,43ha; diện tích đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Thanh Xuân là 4,14ha; thời gian thi công mà UBND tỉnh Nghệ An cho phép 2 đơn vị nêu trên thực hiện là 2 tháng kể từ ngày ký quyết định, kinh phí thực hiện do doanh nghiệp tự chi trả.
Về vấn đề trên, ông Vũ Văn Từ - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân cũng không khỏi băn khăn, lo lắng, cho rằng: Khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp hưởng lợi nhuận trong khi địa phương và người dân thì lại gánh hậu quả. Nay khai thác xong, cấp trên lại cho phép cải tạo phục hồi môi trường kiểu chưa hợp lý nên chúng tôi thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chẳng may sau này xảy ra sự cố thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chả lẽ lại là chính quyền địa phương chúng tôi?
Cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo quy định là phải đưa mỏ về trạng thái an toàn tuyệt đối. Thế nhưng, với cách cải tạo phục hồi môi trường như đã thực hiện tại mỏ đá lèn Chùa là không hợp lý, thiếu thực tế, thậm chí mang tính đối phó. Bởi sau khi thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường thì người dân vẫn nơm nớp, nguy hiểm vẫn rình rập. Các cơ quan có trách nhiệm cần phải có cái nhìn khách quan, trung thực, đúng đắn để xử lý sự việc theo đúng quy định của Luật khoáng sản, tránh gây bức xúc, mất niềm tin từ người dân.
Một chuyên gia am hiểu về lĩnh vực khoảng sản cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác vượt quá cốt 0 lên đến hàng chục mét đã vi phạm nhiều vấn đề. Trong đó, doanh nghiệp “ăn không” thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…vì số khai thác vượt đó cơ quan chức năng chưa thể tính toán vào phần kê khai diện tích, khối lượng, công suất của mỏ đá trước đó. Lượng tiền ngân sách thất thoát chắc chắn là không hề nhỏ và khó thu hồi. Đó là chưa kể đến cơ quan chức năng cố tình “hợp thức hóa” cho sai phạm này khi không “bắt” doanh nghiệp hoàn trả mặt bằng mà lại cho phép cải tạo, phục hồi môi trường một cách “không giống ai” như thế là không thể chấp nhận được. |