Thứ tư - 22/05/2019 16:21

Phó thủ tướng lý giải việc tăng giá điện vào dịp nắng nóng

 
Theo ông Vương Đình Huệ, tăng giá điện vào 20/3 "không phải mùa hè" và không ai ngờ hình thái thời tiết năm nay biến đổi như vậy.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 21/5. Ảnh: Võ Hải
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 21/5. Ảnh: Võ Hải

 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa giải trình về việc tăng giá điện tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5.

Trước nhiều câu hỏi về việc tăng giá điện đúng dịp nắng nóng, Phó thủ tướng nói, "thời điểm tăng vào 20/3 không phải mùa hè" và cho rằng như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, hình thái thời tiết năm nay có nhiều biến đổi, ngay từ đầu tháng 4 trời đã nắng như đổ lửa. Sang tháng 5 lại lạnh như mùa đông và hoa sữa nở. "Lạ thế, hoa sữa lại nở vào tháng 5. Chính phủ không tài nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5", ông ví von.

Đồng thời, tăng giá điện vào tháng 3 còn giúp giảm lạm phát kỳ vọng do theo quy luật hàng năm, CPI thường giảm sau Tết 2 tháng. Chưa kể, theo đại diện Chính phủ, nếu lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi mới trang trải được khoản chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng của EVN. Việc tăng giá ngày 20/3 đã được cân nhắc lựa chọn để không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm, kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.

Tuy nhiên, trước những phản ánh của người dân, đại biểu Quốc hội về tăng giá điện, Phó thủ tướng cho biết, tới đây sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa lại biểu giá bán lẻ điện bậc thang cho phù hợp với thực tế nhu cầu dùng điện, thu nhập người dân. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc kiểm toán giá điện, báo cáo tài chính của EVN để người dân yên tâm.

'Giá điện không gánh chi phí ngoài ngành'

Theo Phó thủ tướng, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng tốn kém. Cân đối năng lượng điện là một trong những cân đối lớn của kinh tế vĩ mô. Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần mới đưa ra quyết định tăng 8,36% thay vì 9,26%.

Việc tăng giá điện, theo ông Huệ, dựa trên các thông số tính toán đầu vào. Biểu giá điện lũy tiến đã được áp dụng từ năm 2011, đến nay số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200 kWh trở xuống chiếm 71%, do đó duy trì biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn.

Ông nói thêm, giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN được kiểm toán độc lập hàng năm. Ban kiểm tra giá thành gồm nhiều đơn vị liên quan và Bộ Công Thương cũng họp báo công khai giá thành điện. 

"Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành, thua lỗ. Thông tin nào nói như vậy là không chính xác", Phó thủ tướng nói.

Theo ông, hiện EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, thu về hơn 2.340 tỷ đồng, thặng dư 127 tỷ so với đầu tư lúc đầu. Hiện chỉ còn khoản vốn tương đương 7,5% tại Công ty cổ phần Tài chính điện lực và đơn vị này làm ăn có lãi.

Giá không hợp lý, không ai đầu tư vào điện

Cũng theo Phó thủ tướng, theo quy định của Luật Điện lực thì phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Trong khi đó, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành điện do EVN sản xuất giảm. 

"Nếu thiếu điện thì không biết thế nào", ông nói, đồng thời nhấn mạnh sản xuất kinh doanh và phân phối điện phải giải quyết được 2 vấn đề, là đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và chi phí hợp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo tính toán, muốn tăng 1% GDP thì sản lượng điện phải tăng 2%, nên với tăng trưởng kinh tế (GDP) hiện là 7% thì sản lượng điện tương ứng là 14%. Nhưng 3 năm qua, bình quân sản lượng điện chỉ tăng 10,21%. Dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng. 

Đề cập tới hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió đang đẩy mạnh đầu tư, song Phó thủ tướng cho hay, năng lượng tái tạo không phải lúc nào cũng có thể phát điện. Năng lượng tái tạo đang được mua vào giá 9,35 cent một kWh, tương đương gần 2.100 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang bán cho người dân. chưa kể chi phí lớn để tích điện. 

"Nếu không có giá hợp lý thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra đầu tư vào điện, và rất khó để EVN tái tạo đầu tư. Bây giờ chúng ta thiếu cả nguồn, hạ tầng, lưới điện", ông Huệ nói.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc tăng giá điện theo lộ trình đã được thực hiện công khai, minh bạch. Ông cho hay, tất cả kiến nghị, thắc mắc của người dân đã được giải thích thấu đáo. Chủ tịch EVN giải thích rõ hơn về cách tính chỉ số công tơ hàng tháng và kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 4 dài hơn 3 ngày so với tháng 3. Sản lượng điện dùng tăng do thời tiết nắng nóng và giá bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3... là nguyên nhân khiến tiền điện các hộ sinh hoạt tăng cao.

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được đồng tình từ bà Vũ Thị Lưu Mai - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách. "Ba lý do tăng giá điện được ngành điện, Bộ Công Thương lý giải là chưa thuyết phục", bà nói.

Dẫn chứng trường hợp gia đình mình, bà Mai cho biết, vẫn xài điện như cũ, các thiết bị điện không tăng thêm nhưng hoá đơn tiền điện tháng 4 "nhảy" gần gấp đôi. "Các đại biểu sẽ chất vấn vấn đề này tại hội trường Quốc hội", bà Mai nói thêm.

Anh Minh

VNEXPRESS

 
 Từ khóa: thời tiết  

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây