Một số kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên

      Trong thời đại 4.0, khởi nghiệp (Startup) đang trở thành một làn sóng ngày càng lan rộng giữa cộng đồng người trẻ Việt Nam, bao gồm cả các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường. Không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng, nhiều sinh viên vẫn có thể hiện thực giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là “màu hồng”, và xây dựng cả một sự nghiệp từ hay bàn tay trắng là con đường vô cùng chông gai.

      Và để đồng hành cùng các em sinh viên trong hành trình khởi nghiệp, sáng ngày 24/4/2023, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Kinh Tế Nghệ An đã tổ chức buổi TalkShow “Hành trình khởi nghiệp cùng Shark Liên”. Buổi chia sẻ diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và nhiều bài học quý báu trong lòng những người đến tham gia.

      Như chúng ta đã biết, khởi nghiệp sinh viên đang là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là những người trẻ. Không cần đợi đến thời điểm tốt nghiệp ra trường, nhiều bạn trẻ đã “làm nên chuyện” với những dự án khởi nghiệp của mình. Tất nhiên, đó là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, của cả một quá trình chuẩn bị bài bản. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào, ý tưởng nào cũng có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.

      Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần chuẩn bị những gì?

      Nền tảng kiến thức

      Để có thể bước ra “làm chủ”, những kiến thức về kinh doanh, quản lý, điều hành là hành trang không thể thiếu. Khối kiến thức nền tảng này sẻ giúp các bạn hiểu hơn về sản phẩm, thị trường, công nghệ, nhân lực, tài chính, chiến lược kinh doanh,... Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thuyết phục sẽ là chìa khoá thành công cho quá trình startup. Ngoài những giờ học trên giảng đường, các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp cũng sẽ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế.

      Nguồn vốn ổn định

      Huy động nguồn vốn là phần không thể thiếu để “nuôi sống” và phát triển các dự án kinh doanh. Đó có thể là từ tiềm lực kinh tế của bản thân hoặc được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ.

      Sự đam mê

      Điều đặc biệt và không thể thiếu khi bước vào hành trình khởi nghiệp là sự đam mê, khát khao làm giàu chân chính, sự yêu thích kinh doanh và mang đến những giá trị thực cho cộng đồng xã hội. Đó có thể là những chiếc nón xơ dừa được làm ra với mong muốn quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của xứ dừa Bến Tre, là ý tưởng làn đường dành riêng cho xe đạp giúp giải quyết vấn đề tắc đường của thành phố,...
      Tích cực tham gia các câu lạc bộ, ngoại khóa

      Việc tham gia các nhóm, câu lạc bộ kinh doanh, khởi nghiệp sẽ giúp các bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế đồng thời mở rộng mạng lưới quan hệ tích cực cho hoạt động kinh doanh sau này.

      Kỹ năng nghiên cứu và phân tích thị trường

      Thời kỳ 4.0, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, với thế hệ gen Z nhanh nhẹn, thông minh, không cần bàn cãi, khoảng thời gian học đại học chính là khoảng thời gian bùng nổ của những ý tưởng sáng tạo. Nhưng liệu ý tưởng đó có đủ “mới” không? Hiện tại và trong tương lai, tính cạnh tranh của thị trường đó như thế nào? Cần số vốn bao nhiêu để hiện thức hóa nó?… Có vô số câu hỏi và vấn đề được đặt ra xoay quanh một ý định khởi nghiệp, đòi hỏi sinh viên cần có sự nghiên cứu và nhận định thị trường thật thấu đáo. Bên cạnh đó, hãy tự rèn luyện khả năng bản thân thông qua việc học tập trên lớp, tự học, tự rút ra kinh nghiệm bản thân,.. Tuy nhiên chỉ vậy thì khó mà tiếp cận được gần với thực tế. Thế nên sinh viên cũng có thể tìm kiếm việc làm thêm tại các startup, hoặc tham gia các cuộc thi chuyên môn hoặc về khởi nghiệp để trực tiếp tiếp xúc với thực tế và học hỏi từ những người trong ngành.

      Kỹ năng lãnh đạo và truyền cảm hứng

      Đằng sau một doanh nghiệp thành công luôn có một nhà lãnh đạo tài ba. Đặc biệt khi đang xây dựng một công ty hoàn toàn mới, bạn thực sự cần mọi người hỗ trợ bạn và tin tưởng vào ý tưởng của bạn. Một người lãnh đạo thực thụ cần biết quan sát, phân phối công việc và nhìn nhận kịp thời để đưa ra những thay đổi linh hoạt trong hệ thống và nhân sự. Dù biết khởi nghiệp là con đường khó khăn và sẽ có nhiều lần bạn rơi vào tình trạng lao đao, nhưng hãy luôn mạnh mẽ, lạc quan để làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Làm được điều đó, sẽ có nhiều người tôn trọng và muốn đi theo hỗ trợ bạn, tăng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của công ty bạn.

      Để có được kỹ năng này, các bạn sinh viên cần tham gia các lớp kỹ năng mềm về làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, hiểu nhân tâm, gắn kết lòng người,..Các bạn sinh viên có thể thực hành kỹ năng lãnh đạo ngay trong các hoạt động trên lớp, trong các câu lạc bộ hoặc dự án cho sinh viên…

      Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý rủi ro

      Bắt đầu kinh doanh đồng nghĩa với việc bạn phải quản lý một loạt các công việc như quản lý các nguồn lực, thiết kế web, xây dựng các thủ tục chính sách… Kỹ năng lập kế hoạch rất quan trọng để đảm bảo bạn có thể đưa ra những kế hoạch khả thi và hướng toàn hệ thống làm việc theo mục tiêu của kế hoạch đã định. Tùy theo từng thời điểm phát triển, từ ý tưởng đến thực thi và vận hành mà bạn sẽ cần những kế hoạch khác nhau. Đồng thời, kinh doanh cũng là hoạt động đầy rủi ro, nên hãy chắc rằng bạn đã cố gắng dự trù được càng nhiều càng tốt những vấn đề có thể xảy ra và bình tĩnh xử lý chúng.

      Kỹ năng quản lý tài chính

      Đương nhiên, sinh viên khởi nghiệp cần phải có một khả năng tài chính nhất định tùy theo ý tưởng, mô hình và mục tiêu khởi nghiệp. Và khi đã có điều đó rồi, việc quản lý nguồn tiền bạc cũng là một vấn đề hết sức đau đầu, nhất là khi công ty của bạn còn non trẻ và ngân sách thì không dư dả gì. Có rất nhiều trường đại học dạy sinh viên những môn về kế toán và quản trị tài chính, cung cấp những kiến thức nền tảng không thể thiếu mà bạn có thể tham gia để phát triển kỹ năng này.

      Kỹ năng xây dựng thương hiệu

      Giai đoạn khởi nghiệp chính là thời điểm tốt nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu, song hành với việc phát triển sản phẩm, cho dù nguồn lực về tài chính cũng như nhân sự còn nhiều giới hạn. Quy trình không thể thiếu bao gồm: tên thương hiệu, thông điệp hấp dẫn, làm nổi bật được giá trị của của công ty; đầu tư vào logo, bộ nhận diện, những gì người ta nhìn thấy đầu tiên ở sản phẩm của bạn; duy trì và tăng độ nhận diện thương hiệu qua các hoạt động marketing và quảng cáo.

      Kỹ năng kết nối

      Bạn phải thành thạo giao tiếp bằng cả văn nói lẫn văn viết, cả bằng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ (cơ bản nhất là tiếng Anh). Khả năng diễn đạt một cách tinh tế và thuyết phục sẽ mang lại cho bạn những bản hợp đồng của đối tác và cũng phát huy rất tốt trong quản lý nhân sự. Cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong và ngoài trường thì vô số. Hãy tận dụng những điều nhỏ nhất từ viết email đến trình bày một bài thuyết trình để luyện tập nhé. Và tất nhiên rằng trên hành trình gian nan này, bạn không thể thành công nếu cứ “đơn thương độc mã”. Phần lớn cơ hội đều bắt nguồn từ các mối quan hệ mà chúng ta vun đắp, không chỉ dừng ở qua lại xã giao mà trọng tâm là sự chân thành, tạo dựng được sự kết nối bền bỉ. Thông qua networking, bạn có thể tìm kiếm được những người đồng hành thông minh, nhiệt huyết mà không tốn nhiều chi phí và thời gian đó.

      Trên đây là một số kiến thức, kỹ năng mà mỗi sinh viên nên có và tích lũy khi khởi nghiệp. Không phải ai sinh ra cũng làm được ngay mọi việc, không phải ai làm gì cũng thành công ngay, hãy nỗ lực hết mình với công việc và lựa chọn của bản thân mình. Hãy nuôi dưỡng và phát triển đam mê để có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, có sự nghiệp vững chắc và cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Chúc các bạn sinh viên thành công và vững vàng trên con đường mình đã lựa chọn.

 


Bài viết khác