Khuyến nông nghệ an ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ cao

     Giai đoạn 2026 – 2030, công tác khuyến nông của Nghệ An sẽ ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

     Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giai đoạn 2021 – 2025.

5 năm qua, tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bám sát định hướng chỉ đạo, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai quyết liệt, có trọng tâm các mục tiêu đề ra, nhờ đó đã hoàn thành và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đạt bình quân từ 4,14 - 5,59%/năm.

Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đưa thiết bị tiên tiến vào canh tác đã được Khuyến nông Nghệ An triển khai có hiệu quả.

   Đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp Nghệ An trong giai đoạn qua, công tác khuyến nông là một điểm sáng. Từ định hướng của Sở NN-PTNT Nghệ An (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức, thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học vào canh tác, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. 

   Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng miền và nhu cầu của nông dân nhằm lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi, sản phẩm và tiến bộ kỹ thuật phù hợp để hướng dẫn, chuyển giao.

Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất đại trà.

   Công tác khuyến nông đã góp phần giúp các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhờ đó tăng năng suất lao động từ 5 - 20 lần, giảm 20 - 30% chi phí sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 40% so với sản xuất đại trà.

   5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 84 mô hình khuyến nông được triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước (trồng trọt 34 mô hình, chăn nuôi 19, lâm nghiệp 4, thủy sản 17, chương trình đặc thù 10). Qua đánh giá thực tế, nhiều mô hình phát huy hiệu quả cao, được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận.

   Nổi bật trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất phải kể đến mô hình trồng thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao NA6 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Thanh Chương với quy mô 12ha. Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến giúp giảm rõ rệt chi phí sản xuất, đồng thời giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính ra môi trường. Qua kiểm tra, mô hình này cho năng suất 60,2 tạ/ha, lãi thuần 6 triệu đồng/ha, tăng trên 15% so với thông thường…

Bà Võ Thị Nhung đánh giá cao công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Khuyến nông Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025.

      Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An nhấn mạnh, với trên 83% dân số của tỉnh có hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đòi hỏi phải hình thành chuỗi liên kết bền chặt giữa các bên liên quan, riêng Trung tâm Khuyến nông tỉnh giữ vai trò cầu nối.

      “Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2026 – 2030 trên cơ sở định hướng phát triển toàn ngành và thực tiễn tại địa phương, quá trình thực hiện sẽ ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An cho biết.

                                                                   Theo báo Nông nghiệp Việt Nam