Kiểm toán trong kỷ nguyên số tại Việt Nam

Nền kinh tế thế giới đang tiến vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới đang làm thay đổi diện mạo các hoạt động kinh tế, mô hình quản trị doanh nghiệp (DN) và sự liên kết chặt chẽ giữa con người và máy móc. Các hình thức kinh doanh mới có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và các công nghệ khác đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau trong đó có lĩnh vực kiểm toán.

CMCN 4.0 đã mang lại nhiều sự thay đổi cho lĩnh vực kiểm toán. Hiện nay, nhiều phần mềm đã được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong quá trình kiểm toán. Đơn cử, phần mềm Tổng hợp kết quả kiểm toán, theo dõi tiến độ và việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã hỗ trợ tốt các đơn vị trong công tác quản lý tiến độ, cập nhật kết quả, theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, phần mềm đã trợ giúp công tác tổng hợp kết quả kiểm toán chính xác, kịp thời, phục vụ xây dựng báo cáo kiểm toán của Ngành hằng năm. Phần mềm Số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử đáp ứng các yêu cầu quản lý phức tạp của hồ sơ kiểm toán, thực hiện phân cấp, phân quyền hỗ trợ người dùng sử dụng hệ thống theo đúng vai trò và nhiệm vụ được giao. Phần mềm Nhật ký kiểm toán điện tử đã trợ giúp đắc lực kiểm toán viên (KTV) ghi chép nhật ký kiểm toán, đính kèm các bằng chứng kiểm toán theo quy định về mẫu biểu hồ sơ của KTNN…

Hiện các công ty kiểm toán Big4 và một số công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế đã sử dụng phần mềm kiểm toán chuyên nghiệp, trong lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Ví dụ, Deloitte đã bắt đầu ứng dụng AI trong việc kiểm toán: tổng hợp dữ liệu từ các hợp đồng, xác định các điều khoản liên quan để kiểm tra xử lý kế toán như ngày bắt đầu hợp đồng, số tiền thanh toán, các điều khoản gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng. Bằng cách tự động hóa các quy trình này, nhân viên của Deloitte có thể làm việc nhanh hơn với hiệu suất cao hơn, hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Các công ty kiểm toán còn lại chủ yếu sử dụng các ứng dụng văn phòng như Microsoft Word và Excel, để lập giấy tờ kiểm toán và sử dụng các công cụ trong Excel thực hiện các thủ tục phân tích. Nhiều công ty kiểm toán chưa sử dụng các phần mềm chuyên dụng, để lập hồ sơ kiểm toán và thực hiện thủ tục kiểm toán. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính chưa được áp dụng một cách rộng rãi, dẫn tới các hạn chế trong việc phân tích, xử lý các thông tin, giao dịch của khách hàng.

Theo nghiên cứu của tác giả Binh Ngo Pham và các cộng sự, nhóm tác giả đã gửi bảng câu hỏi đến 126 KTV và trợ lý kiểm toán tại các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Những người được hỏi cho rằng với họ khi sử dụng công nghệ trong kiểm toán, việc đánh giá gian lận là yếu tố được coi là khá quan trọng. Tuy nhiên, nó không được sử dụng một cách thích hợp, bởi vì tỷ lệ sử dụng tương ứng so với tầm quan trọng của công nghệ kiểm toán là 43,7% và 24,6%. Tương tự, đánh giá bằng chứng kiểm toán cũng được hiểu là một yếu tố quan trọng của công nghệ kiểm toán so với giá trị thực của nó (65,1% số người được hỏi tin rằng công nghệ thông tin có tác động, nhưng chỉ có 9,5% số người được hỏi nói rằng nó thực sự được sử dụng nhưng ít). Phần lớn số người được hỏi trong nghiên cứu nói rằng, lý do quan trọng nhất để sử dụng công nghệ kiểm toán trong quá trình kiểm toán là để cải thiện chất lượng kiểm toán, giảm thiểu thời gian, chi phí kiểm toán và để đơn giản hóa quy trình, trong khi một số khác cho rằng lý do quan trọng nhất cho việc sử dụng công nghệ trong kiểm toán là chú ý nhiều hơn đến các lĩnh vực rủi ro.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy khó khăn trong việc định lượng lợi ích và chi phí của CNTT và sự thiếu nhiệt tình đối với CNTT ở các KTV cấp cao có tác động lớn đến việc sử dụng CNTT trong kiểm toán. Nhìn chung những người được hỏi nhấn mạnh rằng, khi sử dụng công nghệ kiểm toán họ kỳ vọng chất lượng kiểm toán sẽ cao hơn và hiệu quả hơn so với việc làm trên giấy. Tuy nhiên, khó khăn chính là thiếu đào tạo công nghệ thông tin, sự thiếu nhiệt tình với CNTT trong kiểm toán và khó áp dụng phần mềm trong các tình huống thực tế. Do đó, các công ty mong muốn áp dụng công nghệ trong kiểm toán và cũng mong muốn có các chương trình đào tạo chuyên sâu và tập trung vào văn hóa DN.