Cắp ô đi về

Thứ Bảy tuần trước, cơ quan vợ tôi - một chi cục lớn thuộc sở Lao động tỉnh phía Nam -  tổ chức hội thảo với chủ đề “Cán bộ cơ quan và cách mạng công nghiệp 4.0”. Tôi được vợ rủ đi cùng.

Cắp ô đi về

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa

 

Đây là chủ trương của lãnh đạo nhằm nâng cao nhận thức và tính sẵn sàng của cán bộ cơ quan mình với cách mạng 4.0. Nhằm tạo sức hút và thể hiện tính chất quan trọng của sự kiện, hội trường được trang trí trang trọng, bắt mắt. Băng rôn, biểu ngữ cũng được giăng rộn ràng từ ngoài cổng.

Dù hội thảo bắt đầu khá trễ so với dự kiến, vì đợi nhiều người đến không đúng giờ, nhưng nội dung đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng, hữu ích về cách mạng lần thứ 4; về chức năng, vai trò và những đòi hỏi để người công chức thích nghi với hình thái công việc mới trong luồng thác cách mạng khoa học kỹ thuật.

Tôi nhìn quanh, trong hội trường, rất ít người để ý đến lời thuyết trình của chuyên gia do cơ quan tốn khá nhiều tiền mời về. Họ đọc báo, nhắn tin trên điện thoại, nói chuyện với nhau và tranh thủ chạy ra chạy vào chuẩn bị cho buổi tiệc toàn cơ quan sẽ diễn ra trưa hôm đó, sau hội thảo. Dường như cách mạng 4.0 chẳng liên quan đến công việc hàng ngày của họ.

Cùng lúc đó, ở tầng dưới hội trường hội thảo, anh trưởng phòng lớn nhất chi cục và là đầu mối, cửa ngõ của cơ quan này với người dân đang hì hục, hí hoáy, sau đó nhờ nhân viên chỉ hộ một số cách thức gõ, canh chỉnh văn bản Microsoft Word. Số là anh mới biết sử dụng máy vi tính và bập bõm đánh máy gần đây.

Đó là cái đơn anh đang gõ để gửi lên phường xin sửa nhà. Việc riêng nên anh phải tự làm chứ bình thường đã có nhân viên. Anh bảo "rất ngại" thao tác công việc liên quan đến máy tính. Hàng ngày anh đến cơ quan, ngồi vào bàn, có ai đưa gì thì ký thôi.

Cũng trong phòng anh, một nhóm nhân viên sử dụng chung một email của cơ quan để trao đổi thông tin, dữ liệu qua lại với các doanh nghiệp mà họ đang phụ trách quản lý. Nhiều người vào email nhưng không biết "thoát" ra ngoài khi đã xong, cứ để đó, nên có khi người khác phải đến "thoát" giùm vì không muốn các dữ liệu, thông tin cần bảo mật cứ bày ra màn hình máy tính chung. Vợ tôi bảo, trong cơ quan, phòng nào báo lên phòng hành chính là máy tính trục trặc, cách xử lý, hướng dẫn đầu tiên sẽ luôn là "tắt máy rồi khởi động lại", sau đó mới tính đến phương án khác.

Tháng trước, cũng cơ quan này vừa chuyển đến trụ sở mới, khang trang và rộng rãi hơn. Sau khi chuyển đồ, dọn dẹp xong, mọi người mới tá hỏa vì văn phòng mới chưa được lắp điện thoại, chưa kết nối mạng internet. Gần cả tháng trời sau đó, công nhân viên đến cơ quan không có phương tiện làm việc, đành ngồi tán gẫu hay làm mấy việc linh tinh rồi về, vài người khác thì ở nhà chờ đến khi cơ quan có điện thoại, có mạng đầy đủ mới đến làm việc.

Trong tình cảnh ấy, trước đây, một số công việc các doanh nghiệp có thể trao đổi qua email thì giờ phải cử người lên làm việc trực tiếp. Còn những việc nhất thiết phải thao tác trên hệ thống, đòi hỏi có kết nối mạng thì đành phải chờ.

Nhiều người dân, doanh nghiệp ở địa phương đã quen với việc chờ đợi, thậm chí coi đó là thông lệ, bởi chẳng có quy trình, quy định nào về hạn định họ sẽ được cơ quan công quyền kia trả lời. Nhanh hay chậm tùy thuộc vào thói quen, tâm trạng, tính cách người phụ trách.

Tuy không dám vơ đũa cả nắm, nhưng tôi cũng có cơ hội chứng kiến tình trạng này ở khá nhiều cơ quan. Người giữ vị trí quản lý trong cơ quan nhà nước giữa một thành phố lớn nhất nhì nước mà còn lạ lẫm với ngay cả với những công cụ, phương tiện làm việc phổ cập, thiết yếu nhất hiện nay là máy vi tính thì thật sự không bình thường.

Mặc dù quyết tâm xây dựng nền hành chính kiến tạo của Chính phủ mà việc đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ đã có từ nhiều năm nay; nhiều văn bản đã được ban hành; nhiều chiến dịch được thực thi nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh", bình chân như vại của các địa phương vẫn có thể gặp ở bất cứ nơi nào. Đó là nền hành chính giấy tờ, cồng kềnh, trì trệ với trình độ cán bộ công chức năng lực thấp, thái độ quan liêu cùng sức ì khá đặc trưng.

Theo báo cáo của 19 bộ và 45 địa phương năm 2018, cả nước có gần 1,4 triệu công nhân viên chức. Trong đó có khoảng 12.000 nằm trong nhóm được đánh giá là "hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực", hoặc "không hoàn thành nhiệm vụ". Chưa kể một số lượng đáng kể "sáng cắp ô đi chiều cắp ô v" như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây có lẽ vẫn là một thống kê còn ưu ái. Cách đánh giá, xếp hạng năng lực cán bộ và hiệu quả công việc trong cơ quan nhà nước vẫn còn cảm tính, nặng về thành tích nên phần đông vẫn thuộc hạng "tiên tiến" hay "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" vào cuối năm. Vì vậy, dữ liệu trên có thể chưa phản ánh hết số lượng và tình trạng công chức yếu kém về năng lực chuyên môn, kỹ năng, kiến thức, nhưng 12.000 vẫn là một con số quá lớn. Nhất là nếu những con người đó làm việc ở các vị trí chủ chốt, quan trọng, thường xuyên tiếp xúc, làm việc và nắm trong tay quyền sinh sát với doanh nghiệp, người dân.

Chúng ta chưa cần làm "cách mạng" hay phải thể hiện sự quan tâm thái quá về 4.0 bằng những khẩu hiệu vẫn được hô vang mỗi ngày. Chỉ cần mỗi cán bộ hàng ngày không ngừng cầu thị, học hỏi, nâng cao kỹ năng và kiến thức - vốn đã có sẵn ngay trong điện thoại thông minh họ cầm trên tay - sẵn sàng ứng dụng công cụ làm việc, tiếp nhận công nghệ đã được phổ cập để công việc thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Đó thực sự là ước mơ cháy bỏng  của người dân, doanh nghiệp.

Đặng Quỳnh Giang (VNEXPRESS)

  Bình luận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây