Khuyến khích ngược

Một hộ vùng cao Hà Giang có ông bố và hai vợ chồng người con trai sống chung. Họ canh tác trên phần đất của ông bố. Đó đang là một hộ gia đình bình thường, có cả đất và sức lao động.


Nhưng một ngày nọ, ông bố cho vợ chồng người con trai ra ở riêng. Ông bố lúc này có đất nhưng già yếu không có sức lao động; trong khi vợ chồng người con khỏe mạnh lại không có đất. Họ từ một hộ bình thường trở thành hai hộ nghèo. Và bỗng nhiên, được nhận tới hai suất trợ cấp chính sách.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Giang vào tháng 11/2017 với sự tham dự của Thủ tướng, tôi đã kể lại câu chuyện đó để minh họa cho “cơ chế khuyến khích ngược" trong phần trình bày của mình.

Câu chuyện ấy, tôi biết qua suy tư của một lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Ông bảo, dù đang nghĩ cách để có những chính sách tốt hơn, tạm thời địa phương khó mà tránh được những trường hợp như trên.

Khuyến khích ngược là người làm những điều tốt bị “phạt” và người làm những điều không tốt hoặc không nỗ lực gì lại được lợi. Việc tìm cách trở thành hộ nghèo và không muốn thoát nghèo do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trên không xảy ra duy nhất tại Hà Giang.

Không thể phủ nhận rằng, cách thức hành động của người đứng đầu Chính phủ cùng những nhân tố khác đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế trong năm qua. Tuy nhiên, để có thể đạt được phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” cho năm 2018 và xa hơn là một nền kinh tế được vận hành hiệu quả thì các cơ chế khuyến khích ngược cần phải được sửa chữa. Tôi tin rằng căn nguyên của những trục trặc hiện nay.

Thứ nhất, như trong câu chuyện tôi đã kể, nhiều chính sách làm nhụt ý chí vươn lên của người dân.

Việc hỗ trợ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, có vị trí bất lợi trong xã hội để kéo họ lên là điều cần thiết. Tuy nhiên, không ít cách làm chính sách đã khiến những đối tượng được hưởng trợ cấp “cùn” đi. Họ sợ rằng khi làm tốt hơn, ưu đãi bị cắt, phúc lợi sẽ thấp hơn so với tiếp tục nghèo hay giả vờ nghèo.

Thứ hai, trong một cơ chế "khuyến khích ngược" khác, công chức nhũng nhiễu thì có thêm thu nhập và cơ hội thăng tiến. Với các chính sách thuộc vùng xám, các công chức có hai lựa chọn trái ngược: vận dụng linh hoạt cho dân hoặc gây khó và đẩy việc. Lựa chọn thứ nhất sẽ làm cho xã hội tốt lên, nhưng lại ảnh hưởng đến cơ hội có thêm thu nhập và thăng tiến của công chức. Vì sao? Công việc được xử lý nhanh gọn thì người dân và doanh nghiệp chỉ cám ơn đúng nghĩa đen nên đâu có thêm thu nhập tức thì; và vận dụng linh hoạt chính sách thì có thể sai trong cơ chế “không được sai” sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội thăng tiến. Do vậy, lựa chọn làm khó và đẩy việc chắc ăn hơn.

Làm khó thì người dân và doanh nghiệp sẽ phải “biết điều” nên công chức sẽ có thêm thu nhập. Hơn thế, do được “biết điều” nên những công chức này cũng có thể “biết điều” những nơi cần biết điều để gia tăng cơ hội được thăng tiến.

Thứ ba, doanh nghiệp làm ăn chân chính thường thua thiệt. Ví dụ đơn giản nhất là các doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng với sổ sách chứng từ đầy đủ, đúng quy định lại phải thực hiện các nghĩa vụ nhiều hơn so với việc “biết điều” với cán bộ thuế, thanh tra… Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng tìm kiếm lợi nhuận bằng việc tạo ra các giá trị cho xã hội ở môi trường hiện tại thường gặp rất nhiều thách thức.

Trái lại, “mánh mung” hay quan hệ lại có thể đem lại nhiều lợi ích cho số ít và làm tổn hại cái chung.  Các nhóm lợi ích ngày càng nhiều và tinh vi hơn là do điều này.

Thứ tư, hư danh do Nhà nước tạo ra làm đảo lộn động cơ của đội ngũ trí thức. Vai trò quan trọng bậc nhất của các trí thức là đi tìm chân lý, giá trị mới và truyền bá tri thức. Song vàng thau rất dễ lẫn lộn. Người trong giới thường biết rất rõ về lĩnh vực của mình và biết rõ về nhau nên việc xác định vị trí hay phân ngôi cao, thấp nên là việc của họ. Nhà nước chỉ tạo điều kiện để họ làm tốt công việc của mình chứ không nên tham gia trực tiếp.

Rất tiếc, ở Việt Nam, việc Nhà nước “phẩm hàm hóa” các hoạt động của giới trí thức đã làm mọi chuyện tệ đi và những người xứng đáng có được các danh vị cũng bị ảnh hưởng. Học vị, học hàm và các danh hiệu (nhân dân, ưu tú, giải thưởng…) đã như những ngạch bậc gắn với hệ thống công quyền, nhưng việc lựa chọn lại không rõ ràng và đầy tai tiếng. Điều này đang làm cho sân chơi của giới trí thức bị “ô nhiễm” nghiêm trọng. Không ít nhà khoa học giỏi đã trở thành những nhà quản lý tồi và căn bệnh háo danh trong xã hội ngày một trầm kha.

Tóm lại, khuyến khích ngược đang cản trở con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam. Xã hội sẽ tốt đẹp và hiệu quả hơn khi các thành phần thực hiện đúng vai trò của mình. Công chức chọn làm những việc có lợi cho nước cho dân; doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng việc tạo ra các giá trị thật cho xã hội; trí thức dấn thân cho những giá trị chung; và những người có điều kiện bất lợi tìm cách vươn lên bằng khả năng của mình.

Chìa khóa ở đây chính là cơ chế “người thổi sáo hay nhất nên được trao cây sáo tốt nhất”.

Huỳnh Thế Du (VNEXPRESS)

 

  Bình luận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây