Tôi tình cờ xem video về một người đàn ông Hàn Quốc đánh một phụ nữ hai ngày trước. Tôi đã phải tắt giữa chừng vì không thể chịu nổi hết đoạn phim.
Khi còn là cậu bé ở một nông trại Canada, tôi hay ngồi phía sau xe hơi của gia đình mình. Em trai chỉ mới biết lật, bố lái xe, mẹ ngồi cạnh bố. Trẻ con luôn tò mò, tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, nếu gia đình mình gặp người xấu, mẹ sẽ làm gì?" - "Bố sẽ bảo vệ chúng ta". "Nhưng nếu rất rất nhiều người xấu, thì mình sẽ làm gì hả mẹ?" - "Bố sẽ chiến đấu với bọn họ, còn mình sẽ trốn". Tôi nhìn bố trong sự ngưỡng mộ. Đó là hình ảnh người đàn ông vĩ đại sẽ hy sinh để bảo vệ gia đình.
Bố mẹ dạy tôi tôn trọng phụ nữ từ nhỏ, điều đó đã ăn vào máu của tôi. Đặc biệt là mẹ hay dặn dò: "Không bao giờ được đánh phụ nữ". "Nhưng nếu bạn đó đánh con thì sao chứ?", tôi cự. Mẹ bình thản: "Chạy trốn và nói với giáo viên". Khi tôi lớn hơn, mẹ dặn phải mở cửa cho phụ nữ, lúc nào cũng phải bảo vệ họ, dù quen hay lạ, thấy họ gặp nguy hiểm, thì bất kể ảnh hưởng đến mình cũng phải giúp đỡ.
Đáng buồn là mình không thể giáo dục và thuyết phục được tất cả mọi người về việc không đánh phụ nữ. Có lần sống ở Thái Bình, trong một chung cư trung tâm thành phố, tôi nghe phòng kế bên có một cô gái hét lên như thể cô đang bị giết. Tôi và anh Thương cùng phòng chạy qua xem thế nào. Một người đàn ông đang đe doạ cô gái, con gái họ đứng nhìn khóc rất to. Người đàn ông thấy chúng tôi sang có vẻ bình tĩnh lại, nhưng một người thứ ba (có lẽ là hàng xóm) đến vỗ vai tôi nói: "Không sao đâu, đấy là vợ anh ấy thôi".
Tôi bực mình. Còn anh Thương nói: "Không được đánh phụ nữ". Rồi chúng tôi bất lực bỏ về phòng với sự thất vọng.
Một lần khác ở Hà Nội. Tết Tây, hàng xóm mời tôi đến uống vài li. Tôi đến nơi thì gặp một nhóm nam nữ khá trẻ cũng ở đó. Cả khách và chủ nhà đều ngà ngà. Bọn họ cư xử khá kỳ lạ, chọc ghẹo về tiếng Việt của tôi, nhưng vì là tết nên tôi không mấy khó chịu. Bỗng hàng xóm bắt đầu cãi nhau với một cô gái trong nhóm, rất to, rồi ông ta tát vào mặt cô. Tôi bị sốc, họ đang làm cái gì vậy? Mẹ mà biết tôi phớt lờ khi thấy cô gái kia bị đánh, bà sẽ giết tôi ngay. Tôi can và giúp cô gái về nhà. Hai người đàn ông quay sang tôi và bảo: "Đây không phải là việc của anh". Rồi một người đàn ông béo ục ịch ôm tôi lại. Họ không tập thể dục nên nghĩ mỡ là lợi thế. Tôi đẩy ông ta té xuống đất. Trong lúc hai người đàn ông đó cố đánh tôi, thì tôi lôi cô gái vào nhà mình, đóng cửa lại để có thể bảo vệ cô ấy.
Bốn người đàn ông say xỉn đứng ở ngoài la hét, vấn đề tôi không hiểu là cô gái ở trong nhà vẫn luôn miệng bệnh vực họ. May là hàng xóm khác gọi bảo vệ đến giải quyết vụ việc. Tôi biết mẹ sẽ khen hành động của tôi rất đáng mặt đàn ông.
Tôi rất hay đọc sách về Vua Arthur khi còn bé, tôi ngưỡng mộ "Knight’s code" - luật ngầm của hiệp sĩ. Tôi thích nhất là hiệp sĩ Lancelot. Ông là chiến binh vĩ đại, luôn xông pha vào các trận chiến oanh liệt, nhưng khi về nhà, ông là người sống có nghĩa tình, tốt bụng và hào hiệp.
Khái niệm "chivalry" - bộ quy tắc hiệp sĩ - đến từ quê hương tôi ở Châu Âu, được lan truyền đi nhiều nơi, là một danh sách những quy tắc về đức hạnh như: Bảo vệ kẻ yếu, không thể tự vệ; giúp đỡ các goá phụ và trẻ mồ côi; không để các hành vi phạm tội lộng hành; sống vì danh dự và vinh quang; đấu tranh cho phúc lợi của tất cả mọi người; xem thường phần thưởng là tiền bạc. Người Pháp mang "chivalry" đến rất nhiều nước trên thế giới, cả Anh, sau này là Canada và các nước thuộc địa của họ. Thậm chí người Nhật cũng có bộ luật đức hạnh trong võ thuật Bushido của riêng họ.
Khi đọc báo về người đàn ông Hàn Quốc đánh vợ là cô dâu Việt, tôi mới hiểu được tại sao mẹ cứ nhắc về đức hạnh từ bé và nó quan trọng thế nào dù hồi nhỏ tôi thấy rất phiền. Tôi tin đàn ông cần học về đức hạnh, học từ gia đình, nhà trường, xã hội, tôn giáo... Sống mà không có đức hạnh thì thế giới sẽ như một đám động vật hoang dã. Con người đã xây dựng một nền văn minh trên trái đất này, tách khỏi những con thú cũng chính là nhờ khả năng cộng tác cùng nhau trong nhóm và các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ không thể thiếu với phụ nữ. Không phải ai cũng có một nền giáo dục tốt, nhưng nếu gặp một chuyện xấu và bạn ra tay giúp đỡ thì bạn xứng đáng là đàn ông đích thực.
Khi đi diễn hài độc thoại, tôi hay pha trò: "Tôi không dám động đến một cọng tóc của vợ, vì cô ấy biết võ Jiu-jitsu, cô có thể vặn cổ tôi!"
Tôi nghĩ chúng ta nên kêu gọi tất cả phụ nữ Việt Nam đi học võ. Thế là vấn đề bạo lực được giải quyết, nghiện rượu cũng vì thế giảm đi vì không đàn ông nào dám ra khỏi nhà mà không được phép. Nói chơi vậy mà thật, phụ nữ Việt đi học võ vừa rèn luyện sức khoẻ lại có thể thay đổi rất nhiều thứ, một công nhưng tiện đôi việc. Và đó cũng là cách duy nhất trong bối cảnh xã hội vẫn ứng xử kiểu "Không sao đâu, đấy là vợ anh ấy thôi".
Bạo lực vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung chính là bởi thái độ "mình không nên xía vào chuyện người khác". Làm sao vấn đề có thể giải quyết nếu chúng ta chỉ khoanh tay đứng nhìn cái ác lộng hành.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Nguồn: VNEXPRESS