Trong nghề xây dựng của tôi, mỗi lần đứng ra thương thảo hợp đồng về vật tư, vật liệu, chúng tôi đều hỏi “Có hóa đơn không?” hoặc “Đã tính thuế 10% chưa”?
Một hợp đồng trị giá một tỷ đồng, thì thuế VAT là 100 triệu - con số không nhỏ. Tuy vậy, với suy nghĩ của tôi, VAT chính là nguồn thu quan trọng cho ngân khố quốc gia. Từ ngân sách này, tiền được dùng cho an sinh xã hội, hoặc xây các công trình công cộng, phát triển đất nước. Mỗi người dân khi đóng thuế chính là đã làm việc có ích cho đất nước. Nhưng, không thể chỉ đặt vấn đề một chiều. Hãy đặt câu hỏi tiếp theo: Thuế đã dùng như thế nào? Trên các cung đường Nam Bắc ta vẫn hay gặp các khẩu hiệu “Đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Cho nên, khi các vấn đề về thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, với đề xuất tăng hay giảm, thì rõ ràng người dân có quyền lên tiếng, vì "quyền" là thứ đi kèm với "nghĩa vụ".
Ngày 15/8, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT. Theo phương án 1, thuế VAT tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ đề nghị cân nhắc phương án 1. Lập luận của Bộ là: “Từ 2009 đến 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%".
Tuy nhiên, nếu như sử dụng thuế VAT của EU để so sánh và áp dụng cho Việt Nam, thì cũng cần phải so sánh với chính vai trò mà thuế VAT đã dùng ở EU và ở Việt Nam. Hãy ví dụ nước Pháp, về y tế, chế độ bảo hiểm giúp người bệnh được nhận dịch vụ chăm sóc ưu việt và đúng trách nhiệm. Từ giường bệnh, đến nhân viên hỗ trợ, thuốc men tốt nhất, bảo hiểm đều chi trả đúng mục đích. Còn Việt Nam khi đi khám chữa bệnh đa số phải khám dịch vụ vì bảo hiểm luôn bị làm khó dễ, viện phí cũng vừa có đợt tăng. Ở Pháp, người nông dân khi canh tác nông nghiệp được hỗ trợ 400 Euro/ha; nếu nuôi dưỡng súc vật sẽ được hỗ trợ 300 Euro/con. Còn Việt Nam, hàng năm chúng ta đều phải “đi cứu”, khi thì cứu lợn, khi thì cứu dưa, khi thì cứu chuối. Mà ai cứu? Chính người dân cứu nhau.
Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết, các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản… Tuy nhiên, tại Nhật Bản, giáo dục miễn phí đến cấp 2 hoặc cấp 3. Còn chúng ta? Chúng ta đi giải quyết học thêm, dạy thêm và tăng học phí.
Cho nên, khi hoàn cảnh của hai bên khác nhau thì không thể so sánh thuế VAT các nước, rồi nhân đó mà tăng thuế ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu Bộ Tài chính xác định tăng thuế, thì cũng phải cân nhắc về ý kiến của người dân. Người dân có quyền để can thiệp.
Nhưng nếu bạn là Bộ trưởng Tài chính, bạn sẽ làm gì khi cuối năm ngoái, thanh tra chính phủ báo cáo về bốn dự án nghìn tỷ bị “đắp chiếu” với tổng số tiền 13.300 tỷ đồng, chưa kể thua lỗ mỗi năm? Hãy làm một bài toán đơn giản với các con số không biết nói dối. Nếu 13.300 tỷ đó được dùng cho việc khởi động dự án đường cao tốc Bắc Nam cách đây ba năm, cùng với số tiền không mất vào những dự án chung cư “ma” và hàng trăm dự án “treo” thua lỗ mỗi năm trên Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có đủ vốn để làm một công trình trọng điểm, chẳng hạn Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam… nhờ đó mà phát triển đất nước.
Bài toán đó chứng minh chúng ta đã đầu tư sai, hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển đất nước. Điều này dẫn đến, khi ngân sách bị eo hẹp bởi sự lãng phí của dự án cũ, trong khi cần đối phó với tính cấp thiết của dự án mới, Bộ Tài chính đứng trước sức ép phải có đủ nguồn thu chi. Tăng thuế trở thành một giải pháp, như cách người ta hút dầu để tăng GDP.
Trong một nền kinh tế khó khăn, cần "khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước" (lời Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương nói với vua Trần Nhân Tông khi sắp mất), thì chúng ta lại chọn phương án khiến người dân phải thêm “căng mình” đóng thuế.
Nếu mãi không giải quyết cái gốc gác vấn đề nằm ở tham nhũng và đầu tư sai, thì theo tôi dù có tăng lên 12% hay 22% đi nữa, miếng bánh ngân sách dù có phình to ra cũng chỉ bị gặm nhấm đi từng ngày chứ không khiến đất nước giàu mạnh hơn.
Trước hết cần giải quyết lý do cho việc phải tăng thuế.
Dũng Phan (VNEXPRESS)
Nghệ Tĩnh 24h, tin tức Nghệ An, Tin tức Hà Tĩnh