TCCTVới kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Youtube...), Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đề nghị phải có biện pháp khẩn cấp dừng/chặn tên miền, website ngay khi phát hiện sai phạm.
Gian lận "bùng nổ" trên các sàn, website, mạng xã hội
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về tình trạng gian lận thương mại trong thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh sự phát triển tích cực, thì thương mại điện tử tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các website thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 website năm 2013 tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỷ USD năm 2016, tăng lên 8 tỷ USD năm 2018. Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá.
Cùng với quy mô thị trường gia tăng thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ theo. Đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.000 tài khoản trên các sàn thương mại điện tử đã bị khoá.
Cùng với quy mô thị trường gia tăng của thương mại điện tử thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ theo
“Việc chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước có xu hướng gia tăng và diễn biến công khai trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội. Thực trạng này thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Linh nêu.
Đáng lưu ý, ông Linh cho biết, các đối tượng bán hàng trên mạng rất đông, mặt hàng đa dạng, thường sử dụng hình ảnh hàng thật để quảng cáo giới thiệu, nhưng thực chất là bán hàng giả. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng dễ dàng bị gắn mác "hàng xách tay chính hãng nhưng thực chất là hàng giả".
"Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra trên mạng, đóng giả là người mua hàng và lần theo người bán hàng, giao hàng, nhưng nhiều đơn vị thuê kho là chung cư nên khi thâm nhập, muốn lên căn hộ kiểm tra thì phải có giấy tờ liên quan của cấp có thẩm quyền, quá trình kiểm tra gặp rất nhiều trở ngại", ông Linh bày tỏ.
Bán hàng truyền thống thì gian hàng hữu hạn nhưng với thương mại điện tử thì gian hàng vô hạn, nếu không ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn thì rất khó kiểm tra kiểm soát. Vì thế, việc ngăn chặn nạn kinh doanh hàng giả, nhái trên mạng xã hội "thực sự gian nan", Tổng Cục trưởng trăn trở.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, các chủ thể quản lý tham gia thương mại điện tử rất đa dạng, không chỉ trên các website, mạng xã hội, kênh phát thanh và truyền hình, kênh buôn bán trên tivi mà còn có phương thức khác.
Chẳng hạn gần đây xuất hiện phương thức bán hàng mới trên nền tảng không phải nhà cung cấp thứ ba, như bán hàng trên app hoặc Youtube.
"Đáng lo ngại là chưa có phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, trong khi phát hiện nhiều biến tướng, tận dụng thanh toán để chuyển sang kinh doanh tiền tệ", ông Tân cảnh báo.
Siết chặt chế tài xử lý vi phạm
Để tăng cường chống hàng giả, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, tháng 4/2019, cơ quan này đã tổ chức lễ ký kết "Nói không với hàng giả trên thương mại điện tử" với 5 sàn lớn nhất và tới đây sẽ tiếp tục ký kết với các sàn ở Tp. Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loạt các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng được phẩm, mỹ phầm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Để chặn nạn buôn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh đề nghị sửa các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của chủ các sàn thương mại điện tử. "Các chủ sàn thương mại điện tử là người tổ chức ra "chợ" để các chủ thể khác kinh doanh, buôn bán, nếu không có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của những ông chủ này thì rất khó quản được.
Với riêng kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Youtube...), ông Linh đề nghị phải có biện pháp khẩn cấp dừng/chặn tên miền, website ngay khi phát hiện sai phạm.
Để kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại trong thương mại điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Pháp chế, rà soát lại các quy định pháp luật liên quan thương mại điện tử.
Đồng thời, đề xuất sửa các quy định pháp luật không còn phù hợp và có thể nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định, văn bản pháp luật mới trên cơ sở cập nhật nội dung mới, chế tài khắt khe hơn với kênh buôn bán online.
"Không thể tiếp tục để phát triển tràn lan chủ thể thương mại điện tử mà thiếu điều chỉnh, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Quy định pháp luật với thương mại điện tử tới đây phải đảm bảo vai trò quản lý gắn với truy suất giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn với các giao dịch, thanh toán...", Bộ trưởng lưu ý.
Liên quan tới việc bán hàng online trên Facebook, Youtube... Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chủ động làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và doanh nghiệp, để thống nhất cơ chế quản lý, các chế tài xử lý vi phạm.