Chủ nhật - 23/04/2023 08:52

Nghị lực của cô giáo dạy Toán bị cưa chân

 
Trước khi trở thành thạc sĩ Toán học, người truyền cảm hứng với nhiều hoạt động thiện nguyện, cô giáo Minh Tâm từng thu mình lại trước những lời xì xào vì bị cưa một bên chân.
Nghị lực của cô giáo dạy Toán bị cưa chân


"Con nhỏ cụt giò" - câu nói từ một người hàng xóm khiến Tâm sửng sốt khi bước ra ngoài với đôi chân giả. Tâm chảy nước mắt quay mặt đi, gắng hết sức để làm sao vượt qua thật nhanh.


"Trở về nhà, tôi vội vã vào phòng, ôm mặt òa khóc như một đứa trẻ", Tâm nhớ lại.


14 năm sau, đồng nghiệp, học trò đã quen với hình ảnh cô giáo Tâm tự tin đứng lớp, bơi lội, đánh cầu lông, chạy marathon và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.


Nữ giáo viên 37 tuổi của trường THPT Thiên Hộ Dương (Cao Lãnh, Đồng Tháp), là một trong 10 cá nhân được trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia của Trung ương Đoàn hồi cuối năm 2022. Trước đó, cô nhận nhiều bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động tỉnh... vì thành tích trong học tập, giảng dạy và công tác xã hội.


Tâm nói hành trình tìm cách chấp nhận khiếm khuyết của mình diễn ra từng bước, nhiều đau đớn về thể xác, tinh thần và nhiều nước mắt.
 

Cô Minh Tâm trong một chuyến du lịch tại Vũng Tàu, hồi tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Tâm trong một chuyến du lịch tại Vũng Tàu, tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nguyễn Thị Minh Tâm sinh ra ở thành phố Cao Lãnh. Bố mất năm Tâm học lớp 9, mẹ cô tần tảo đi làm thuê để nuôi hai con gái ăn học.


Tốt nghiệp loại khá ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Đồng Tháp năm 2008, Tâm về dạy tại trường THPT Tân Thành, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng. Đây là ngôi trường ở vùng biên giới, thuộc diện khó khăn của tỉnh Đồng Tháp.


Tháng 8/2009, trên đường đi vận động học sinh đến lớp, Tâm bất ngờ gặp một chiếc xe tải tụt dốc, gây va chạm. Khi chiếc xe dừng hẳn, Tâm choáng váng, cảm giác tê chân nhưng không biết một bên chân bị dập nát.


Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật 10 tiếng, Tâm thấy xung quanh nhiều người thân và bạn bè, còn mình đã bị cưa mất chân trái. Những ngày sau khi xuất viện, Tâm vẫn cảm giác cơ thể mình không thể gượng dậy nổi. Những cơn đau liên tục xuất hiện, dữ dội hơn khiến cô gái trẻ không thể chợp mắt. Mẹ phải cõng Tâm đi vệ sinh, ăn uống, lên cầu thang. Lúc này, cô ý thức được mình đã mất đi một phần thân thể.


"Tôi soi gương, trời ơi, với chiều cao 1m73 tôi từng tự hào biết bao về đôi chân của mình, từng đăng ký đi thi người đẹp. Sao mọi việc lại đến với tôi như thế", Tâm khóc nhớ lại.


Hết giai đoạn người thân, bạn bè đến chăm sóc, Tâm đối diện thực tế không ai giúp mình mãi được. Tâm biết nếu chán nản, mẹ cô còn buồn hơn nhiều. Vì thế, cô thường nén cảm xúc khi ở trước mặt mẹ, chịu khó chống nạng tập đi.


Khoảng 6 tháng sau, Tâm vào viện lắp chân giả. Cô hy vọng có chân giả sẽ dễ đi hơn nhưng mọi thứ không như tưởng tượng. Chiếc chân giả tiếp xúc với mõm cụt và khớp háng, cọ xát gây đau đớn.


"Tôi ngã liên tục. Ngồi dưới sàn, vừa đau vừa bất lực, tôi đã nghĩ sẽ bỏ cuộc để quay lại với chiếc nạng hoặc ngồi xe lăn chẳng hạn", Tâm nói.


Người mẹ vẫn kiên trì động viên con gái tập đi. Thương mẹ, cô mím môi chịu đựng những cơn đau để bước đi dần trở nên thành thục. Khoảng nửa năm sau, Tâm có thể đi mà không cần dùng tới nạng gỗ.


Được học sinh thay phiên gọi điện hỏi thăm, an ủi, Tâm nghĩ đến việc trở lại trường học. Thêm nữa, hai mẹ con chỉ trông chờ tiền bảo hiểm cũng rất khó khăn.


Năm học 2010-2011, Tâm xin chuyển công tác về trường THPT Thiên Hộ Dương ở gần nhà. Thấy khao khát đứng lớp của Tâm, trường phân công cô dạy Toán ở một số lớp.


"Được trường mới chấp nhận cho dạy tôi vui khoẻ hẳn ra", cô kể. Dù vậy, những ngày đầu đến lớp, Tâm không tránh khỏi mặc cảm, tự ti về ngoại hình.


"Mình trốn tránh, không dám nhìn xung quanh nhưng linh tính mách bảo là vẫn có học sinh nhìn vào đôi chân của mình", Tâm nhớ lại. Khi những cơn đau chân hành hạ ở trên lớp, dù đã giao bài tập cho học trò và nín chịu, có lần Tâm vẫn bật khóc. Cô đập tay vào chiếc chân còn lại, tự hỏi sao vẫn đau đớn đến vậy.


Dần dần, Tâm cởi mở chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân. Cô cũng quan tâm hơn tới các học sinh có học lực yếu, phụ đạo miễn phí. Cứ thế, cô trò ngày càng trở nên thân thiết.


Tâm cũng kết nối với nhiều người đồng cảnh ngộ để chia sẻ, học nhau cách đối diện với hoàn cảnh. Để giữ tinh thần lạc quan, nữ giáo viên tập đánh cầu lông, yoga... Nhưng khó khăn nhất là học bơi.


"Mình sợ lắm, nghĩ mặc đồ bơi người ta sẽ thấy rõ khiếm khuyết của mình", Tâm nhớ lại cảm giác lần đầu đến hồ bơi cùng bạn. Cô cúi gằm và cố gắng không để ý đến xung quanh.


"Nhưng khi hòa mình vào dòng nước, mọi thứ tan biến. Tôi nghĩ mình phải thay đổi suy nghĩ". Những lần sau đó, Tâm chủ động cười, chào hỏi và nhận thấy mọi người rất thân thiện.


Ngoài ra, nữ giáo viên cũng tập đi bộ, từng hai lần tham gia giải chạy marathon ở Đồng Tháp với cự ly 5 km.


Khi công việc và cuộc sống ổn định, Tâm theo học thạc sĩ Lý luận và giảng dạy Toán học tại trường Đại học Đồng Tháp và tốt nghiệp năm 2017. Tiếp đó, cô học thêm văn bằng hai tiếng Anh.
 

Cô Tâm làm diễn giả tại trường THPT Thiên Hộ Dương, hồi tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Tâm làm diễn giả tại trường THPT Thiên Hộ Dương, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Bà Nguyễn Thị Bảy, 79 tuổi, mẹ của Tâm, nói tuy chỉ còn 39% sức khoẻ nhưng con gái chịu khó hoạt động thiện nguyện, nhiều lần trốn mẹ để đi.


Từ năm 2015, nữ giáo viên thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm với 19 thành viên. Nhóm tập trung kêu gọi để hỗ trợ giáo viên về hưu khó khăn, người già neo đơn, bệnh nhân hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, người khuyết tật. Một số hoạt động mà Tâm tổ chức thường xuyên là phát cháo cho bệnh nhân, tặng bảo hiểm y tế, trao học bổng cho học sinh nghèo.


"Nó không hứa thì thôi, đã hứa sẽ làm cho bằng được", bà Bảy nói.


Thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng trường THPT Thiên Hộ Dương, cho biết cô Tâm cùng các nhóm thiện nguyện trong và ngoài nhà trường đã giúp đỡ nhiều lứa học trò.


"Trường nằm ở vùng ven đô, mỗi năm có khoảng 60 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô Tâm đứng ra kêu gọi giúp đỡ và làm tốt nhất việc này", thầy hiệu phó nói. Nhiều học trò sau khi trưởng thành đã trở lại là mạnh thường quân thường xuyên cho quỹ từ thiện của cô Tâm.
 

Cô Tâm tham gia một giải chạy Marathon ở Đồng Tháp, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Tâm tham gia một giải chạy Marathon ở Đồng Tháp, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Tâm nói việc mất đi một chân khiến cô hiểu sâu sắc hơn bản thân và tìm ra con đường của mình. Cô giải thích, lâm vào hoàn cảnh éo le, thấm thía nỗi đau đớn, chật vật khiến cô đồng cảm mạnh mẽ với những người kém may mắn. Điều đó thôi thúc cô hành động nhiều hơn vì họ.


Hoạt động mà Tâm hài lòng nhất là chương trình tiếp sức cho học sinh thi tốt nghiệp, đã duy trì 7 năm qua. Những năm đầu, cô huy động các nguồn để tổ chức phát cơm, nước miễn phí cho thí sinh đi thi. Khoảng 4 năm trở lại đây, cô trực tiếp đến nhiều trường THPT để trò chuyện, truyền cảm hứng và tặng quà, trao học bổng cho học sinh khó khăn.


Tâm thường tháo chiếc chân giả trước mọi người. Nữ giáo viên nói điều này cho thấy cô đã chấp nhận được khiếm khuyết của mình để truyền đi nguồn năng lượng tích cực.


"Nghịch cảnh không hẳn bất hạnh, ở khía cạnh khác nó có thể là món quà cuộc sống ban tặng. Giờ đây, tôi vui vì trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều người", Tâm nói, cho hay đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

VNEXPRESS

 
 Từ khóa: Nghị lực  cô giáo  

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây