Án phạt 5 tỷ USD, nặng nhất từng áp dụng đối với một công ty công nghệ, vẫn bị đánh giá không đủ tính răn đe và không ngăn được Facebook tiếp tục các sai phạm trong tương lai.
Washington Post và Wall Street Journal dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ hôm 12/7 đã bỏ phiếu phê chuẩn án phạt tài chính 5 tỷ USD đối với vi phạm quyền riêng tư khách hàng của Facebook trong vụ bê bối với công ty tư vấn Cambridge Analytica.
Theo Guardian, đây là án phạt nặng nhất mà nhà chức trách Mỹ dành cho một công ty công nghệ, cũng như dành cho vi phạm về quyền riêng tư.
Theo thỏa thuận đạt được với Ủy ban Thương mại liên bang, Facebook sẽ phải kiểm tra lại cách thức xử lý dữ liệu khách hàng, tuy nhiên cơ quan này không yêu cầu Facebook chấm dứt việc chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ 3.
Những người chỉ trích cho rằng án phạt và yêu cầu đối với Facebook là không đủ nghiêm khắc, không thể ngăn chặn việc công ty này tiếp tục vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng trong tương lai. Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu của Facebook trong 3 tháng đầu năm 2019 là 15 tỷ USD.
"Án phạt này chỉ như muỗi đốt đối với tập đoàn cỡ như Facebook. Tôi sợ rằng Facebook đã thoát khỏi trừng phạt đối với việc lạm dụng thông tin của người sử dụng. Cách duy nhất để bảo đảm dữ liệu cá nhân khách hàng được bảo vệ là thông qua luật bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn", Thượng nghị sĩ bang Oregon Ron Wyden nhận xét.
Phản ứng của giới đầu tư cho thấy án phạt mới được công bố là một chiến thắng cho Facebook. Cổ phiếu của công ty công nghệ này trên sàn giao dịch New York đã tăng 1% giá trị khi thông tin về án phạt được công bố, đạt 204,87 USD một cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch ngày 12/7.
Các cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại liên bang nhắm vào Facebook bắt đầu từ tháng 3/2018 sau khi truyền thông Mỹ và Anh công bố thông tin Facebook cho phép công ty tư vấn Cambridge Analytica tiếp cận dữ liệu cá nhân của 50 triệu người sử dụng mạng xã hội này.
Dựa trên thông tin dữ liệu thu thập được, Cambridge Analytica xây dựng các quảng cáo và chiến dịch truyền thông mang tính chính trị nhằm định hướng dư luận của cử tri Mỹ và Anh. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã phải lên tiếng xin lỗi và cam kết thực hiện những thay đổi trong chính sách quản lý dữ liệu khách hàng.