Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tất cả các phần mềm xe công nghệ đều kết nối với Tổng Cục thuế và các cơ quan thuế. Do đó, việc thất thu thuế ít xảy ra và Bộ Tài chính nắm rõ nhất vấn đề này.
Tại buổi chất vấn sáng 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận được nhiều câu hỏi về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử...
Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Nhiểu cử tri cho rằng, việc thực hiện Quyết định 24 về đề án triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng taxi công nghệ kéo quá dài, thực hiện từ 1/7/2016 đã gây nhiều bất cập trong quản lý nhà nước, trong đó có thu thuế... dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng. Thời gian qua cũng đã có nhiều vụ khiếu kiện xung quanh vấn đề này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lại chậm được ban hành? Khi nào Nghị định 86 sẽ được ban hành?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau 2 năm thực hiện Quyết định 24 thì Bộ Giao thông Vận tải đã sơ kết và từ sơ kết đã điều chỉnh Nghị định 86 sửa đổi. Nghị định này được sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân, các cơ quan thông tin truyền thông và cả các cơ quan nghiên cứu.
"Do đó, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã trình Chính phủ 7 lần. Mỗi lần đều có những thay đổi. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau. Cách đây khoảng 1 tuần - kỳ mà chúng tôi báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì chúng tôi chỉ còn 1 ý kiến giữa bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông là xong. Chúng tôi hy vọng là Nghị định 86 sửa đổi sẽ sớm được ban hành. Và khi ban hành chúng tôi sẽ hủy Quyết định 24. Lúc đó taxi công nghệ và taxi truyền thống sẽ cạnh tranh như nhau. Taxi truyền thống cũng có thể lắp các thiết bị công nghệ để phuc vụ hành khách", Bộ trưởng Thể nói.
Cụ thể hơn, đối với các phương tiện tham gia Uber, Grab, Bộ trưởng Thể thông tin, theo số liệu nắm được là khoảng 48.000 xe. Nhưng trong thực tế có một số người dân đăng ký nhưng không hoạt động và những diễn biến này chỉ các doanh nghiệp mới nắm rõ được.
Hiện Bộ đã chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an để nắm rõ toàn bộ xe nào tham gia vận tải dịch vụ theo công nghệ để từ đó quản lý chặt chẽ những biến động và hoạt động của doanh nghiệp, của các xe này để tránh thất thu thuế cũng như tạo điều kiện để đảm bảo an toàn, an ninh vận tải .
Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) đặt câu hỏi về việc phương hướng quản lý xe công nghệ trong thời gian tới. Bởi Bộ trưởng cho biết sẽ không hạn chế các phương tiện vận chuyển hành khách trong đó có grab. Dẫn ra số liệu năm qua Hà Nội phải quản lý không cho taxi truyền thống phát triển quá 22.000 đầu xe, trong khi đó xe grab là 31.000 và 50.000 xe máy. Xe grab không phải đeo mào nên có thể len lỏi tuyến phố cấm xe trong giờ cao điểm…, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng hiện tại không ai quản lý và các hợp tác xã cho rằng trách nhiệm thuộc các hãng công nghệ?
Theo ông Nguyễn Văn Thể, trong Nghị định 86 sửa đổi hiện nay, Bộ có đề xuất là xe taxi công nghệ cũng gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua thì nhận biết được xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử, hoặc taxi công nghệ.
Ông Thể cũng cho biết thêm, hiện nay, TP Hà Nội muốn hạn chế số lượng phương tiện này cũng không được vì chúng ta phải thực hiện theo luật Quy hoạch. Do đó, theo người đứng đầu ngành giao thông, các doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế xã hội để đầu tư và phải chịu rủi ro.
"Nếu một địa phương nào đó hạn chế số lượng xe thì xem như vi phạm luật", ông Thể khẳng định.
Hiện nay, trong Nghị định 86 sửa đổi, xe mà hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ và taxi truyền thống có hồ sơ, thủ tục như nhau. Do đó, nếu các xe như Grab hoạt động ở Việt Nam thì phải được đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, trước hành khách và thủ tục như taxi truyền thống. Taxi truyền thống hiện nay, những hãng lớn như Vinasun, Mai Linh… đều sử dụng công nghệ như Grab và họ hoạt động song song.
Về việc một số doanh nghiệp nộp thuế ít, qua Bộ Tài chính chúng tôi được biết rằng, khoảng gần 50.000 xe Uber, Grab, và hiện nay không chỉ Uber, Grab mà chúng ta có khoảng 14 phần mềm. Ở Việt Nam có khoảng 12-13 phần mềm trong số 14 phần mềm đang vận hành và tất cả các phần mềm này đều kết nối với Tổng Cục thuế và các cơ quan thuế. Do đó, việc thất thu thuế của các phương tiện tôi cho rằng ít xảy ra bởi cơ quan thuế nắm rất kỹ", Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước cũng sẽ đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có Uber, Grab.
Để làm rõ hơn về vấn đề thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ giải trình thêm.