Thứ bảy - 13/07/2019 09:18

TS Nguyễn Đình Cung: Công trình trọng điểm cho nước ngoài làm, doanh nghiệp Việt còn được gì?

 
"Chúng ta cứ nói Việt Nam hùng cường, giờ nhiều doanh nghiệp Việt có trình độ tốt nhưng tôi thấy rõ một xu hướng là nhiều công trình trọng điểm, làm bằng tiền của mình lại đem cho nước ngoài làm. Thế doanh nghiệp Việt còn cái gì, nâng cao năng lực ở đâu?"
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam quý 2 năm 2019 tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hôm qua (12/7), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã chỉ ra hàng loạt yếu kém nội tại nền kinh tế mà rất khó thay đổi.

Theo ông Cung, nửa cuối năm 2019 là năm rất quan trọng để chuẩn bị Đại hội Đảng. Điều đầu tiên quan sát thấy rằng nhiều chính sách và thực thi đang dừng lại, sợ rủi ro.

"Tư tưởng của cán bộ hiện là làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai. Điều trớ trêu là ở Việt Nam, người ta lại đánh giá con người không sai mới là tốt. Nên ai cũng sợ mình sai, không làm gì", ông Cung nói.

Ông này dãn ví dụ về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tiến trình ban hành các luật, quy định pháp lý hoặc những chính sách bứt phá của nền kinh tế.

TS Cung nói: Hồi đầu năm chúng ta rất hồi hởi hai từ "bứt phá", thời điểm này khó bứt phá. Đầu năm nói 2019 phải hơn 2018, tăng trưởng ào ào trên 7%, không thể đạt mức 6,7-6,8%, cải cách môi trường kinh doanh phải thật mạnh mẽ nhưng thực tế lại chưa được như vậy.

"Giới lãnh đạo nói chung có xu hướng là làm ít lại, có làm gì thì cũng chỉ loay quanh, đi hỏi hết người này đến người khác, để rồi cuối cùng chia sẻ rủi ro", TS Cung nói.

Về bài toán động lực tăng trưởng, ông Cung tỏ ra lo lắng: Tăng trưởng của Việt Nam từ nay trở đi là gì? Nếu về phía cung, tăng trưởng Việt Nam vượt tiềm năng, nhưng xét về dài hạn, muốn tăng trưởng thêm thì phải đẩy đồng tiền tăng lên, mấy năm nay không đưa được đồng tiền lên vì không có được cải cách. Giờ đẩy thêm 1 tý nữa nguy cơ lạm phát.

Việt Nam buộc phải cải cách, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phân bổ lại nguồn lực xã hội... nhưng đến nay vẫn chưa phân bổ được, không có một thay đổi gì.

TS Cung khái quát, nhìn chung sau sự cố của Vinashin và Vinalines, dường như chính sách của Việt Nam thắt chặt lại và hành chính hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

"Vì vậy, doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân đều kêu không được đối xử bình đẳng. Họ không được quyền tự chủ, tự do kinh doanh...".

Theo ông Cung doanh nghiệp Nhà nước lâu nay là khối tài sản khổng để phát tăng trưởng. Nếu sử dụng nguồn lực tốt Việt Nam có thể tăng thêm 2 điểm phần trăm, GDP phải tăng đến 8% chứ không phải 6,7%.

Về việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do song và đa phương và cơ hội cho Việt Nam, TS Cung cho rằng, có vui, có buồn. Tuy nhiên, nhiều nỗi buồn không giải quyết được.

Hiện rào cản kỹ thuật của Việt Nam hiện tinh vi lắm, chúng ta cứ nói rào cản nước ngoài, nhưng chính Việt Nam lại tạo ra nhiều rào cản hơn cho chính mình.

Ở khía cạn khác, lâu nay có nhiều cách tiếp cận của chính sách lạ kinh khủng. Tiền của mình không cho doanh nghiệp trong nước làm để tạo công ăn việc làm, nâng cao năng lực của mình, điều này khiến Việt Nam hội nhập rộng nhưng đồng nghĩa người Việt, doanh nghiệp Việt mất hết cơ hội làm việc.

"Chúng ta cứ nói Việt Nam hùng cường, giờ nhiều doanh nghiệp Việt có trình độ tốt nhưng tôi thấy rõ một xu hướng là nhiều công trình trọng điểm, làm bằng tiền của mình lại đem cho nước ngoài làm. Thế doanh nghiệp Việt còn cái gì, nâng cao năng lực ở đâu?", ông Cung trăn trở.

 

An Linh

dantri.com.vn

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây