Thứ bảy - 06/07/2019 15:27

Giới nghệ sĩ nói gì vụ Phương Thanh và 'Độ ta không độ nàng' bị gỡ bỏ

 
​​​​​​​
Trong khi Phương Thanh, Anh Duy chỉ trích đơn vị mua bản quyền ca khúc "Độ ta không độ nàng" là trục lợi thì Khánh Phương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có quan điểm ngược lại.
Phương Thanh liên tục chỉ trích đơn vị mua bản quyền Độ ta không độ nàng.
Phương Thanh liên tục chỉ trích đơn vị mua bản quyền Độ ta không độ nàng.

Độ ta không độ nàng được tác giả Cô Độc Thi Nhân phát hành vào tháng 1. Bài hát gây sốt tại Trung Quốc và Anh Duy là giọng ca đầu tiên thể hiện bằng tiếng Việt. Đầu tháng 6, ca khúc bắt đầu hot tại Việt Nam. Rất nhiều ca sĩ như Phương Thanh, Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, hay những gương mặt mới như Hương Ly, Thiên An, Thái Quỳnh… cover.

Cuối tháng 6, một đơn vị yêu cầu các ca sĩ gỡ bài hát hoặc trả phí bản quyền là 5 triệu đồng và 33% doanh thu thu được từ sản phẩm. Đơn vị này cho biết họ nắm quyền sở hữu Độ ta không độ nàng ở Việt Nam. Đó là lý do nhiều video của Trấn Thành, Phương Thanh, Anh Duy… biến mất dù đạt hàng triệu lượt xem.

''Mua bản quyền khi đang hot để trục lợi''

Vụ việc gây tranh luận trong cộng đồng người nghe nhạc, đặc biệt là khi ca sĩ Phương Thanh chỉ trích đơn vị trên trục lợi. “Nếu một bài hát chưa và không ai biết, công ty các bạn mua độc quyền và làm cho nó hot lên được, tôi mới nể trí tuệ, tư duy của các bạn. Còn chờ khi nó đang quá hot nhờ vào rất nhiều nghệ sĩ và ca sĩ trẻ cùng hát thì việc các bạn mua độc quyền rồi kinh doanh chỉ là những kẻ nhanh tay biết trục lợi mà thôi”, giọng ca 46 tuổi tức giận.

Cô cũng nhấn mạnh bản thu của mình chỉ nhằm mục đích truyền bá Phật pháp, không kinh doanh nên không sai luật.

Nhiều khán giả và đồng nghiệp đồng tình với Phương Thanh. Anh Duy là một trong những ca sĩ quyết định xóa bỏ video cho biết: “Tôi quyết định gỡ bỏ, không mua tác quyền bài hát này vì cho rằng động cơ của phía công ty là trục lợi, cố tình lợi dụng độ hot để kiếm chác. Nếu họ mua bản quyền ngay từ đầu và công bố rộng rãi, tôi sẵn sàng hợp tác và làm theo đúng luật”.

“Tôi cover bài hát từ hơn một tháng trước, mục đích chỉ là hát cho vui để tặng bạn bè trước khi nó trở thành hiện tượng. Trong khi bản quyền chỉ vừa được công ty này đăng ký từ mấy ngày trước, vậy nói tôi vi phạm bản quyền của họ liệu có hợp lý?”, nam ca sĩ đặt câu hỏi.

Giải thích việc cuối tháng 6 mới công bố quyền sở hữu Độ ta không độ nàng, công ty mua bản quyền cho biết: “Chúng tôi được ủy quyền từ phía tác giả từ hồi tháng 3, tức là khi Độ ta không độ nàng chưa hot tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề bản quyền, chúng tôi phải kiểm tra và tính toán kỹ càng”.

Miếng bánh béo bở không bao giờ có thể sử dụng miễn phí

Khánh Phương chấp nhận trả phí tác quyền để giữ sản phẩm. Anh giải thích với Zing.vn: “Việc so sánh, phân tích cái nào nên đầu tư và chưa nên đầu tư là việc không lạ với một đơn vị kinh doanh. Chúng ta không thể biết đơn vị đó để mua được bài hát khó khăn hay không và phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Nếu đơn vị bỏ ra khoảng 5.000 USD để mua, nhưng khi thông báo bản quyền, tất cả ca sĩ bỏ chạy thì ai sẽ là người thiệt hại”.

Khánh Phương cho rằng việc nộp bản quyền là chuyện dễ hiểu với bài hát.

 
khanhphuong185601546922323
“Chị Phương Thanh có chính kiến và cách nhìn nhận riêng, cá nhân tôi chỉ nêu quan điểm chứ không đả kích, phản bác ai. Tôi nghĩ bài này hot không phải vì nhiều ca sĩ cover mà chính xác nó đã hot từ trước đó. Đó là động lực để nhiều nghệ sĩ cover và càng khiến bài hát nổi tiếng”, anh nói thêm.

Nam ca sĩ nhấn mạnh: “Miếng bánh béo bở không bao giờ có thể sử dụng miễn phí. Đó là điều tất yếu về bản quyền. Theo tôi, bài hát hot mà thiên hạ đổ xô vào, mỗi người hát mỗi kiểu thì đó mới là vấn đề. Còn việc một đơn vị lên tiếng về bản quyền là điều sớm muộn cũng diễn ra”.

''Cover không xin phép là sai''

Đứng từ góc độ nhạc sĩ, Nguyễn Văn Chung - tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ - cũng khẳng định hành động cover là vi phạm luật bản quyền.

Nhạc sĩ cho biết: “Tôi không nói riêng trường hợp của ai mà chỉ nói chung rằng cover bất cứ ca khúc nào đều sai nếu không xin phép. Kể cả không kinh doanh thì cũng phải được sự đồng ý của tác giả. Còn trong trường hợp kinh doanh thì phải trả tác quyền cho tác giả”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định khi cover cũng cần xin phép.

Nói về công ty mua tác quyền ca khúc Độ ta không độ nàng khi đang hot khiến nhiều ca sĩ bức xúc, nhạc sĩ phân tích: “Công ty đó tranh thủ thời điểm tốt để mua bản quyền nhưng kể cả thế cũng hoàn toàn đúng luật, không đáng bị chỉ trích là trục lợi. Công ty đó liên hệ với tác giả và xin phép được độc quyền phân phối bài hát ở Việt Nam. Chắc chắn họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua ca khúc, do đó họ có quyền thu phí tác quyền từ các ca sĩ ở đây”.


 
64424339 2279539655641406 1923052472704696320 n
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định khi cover cũng cần xin phép.
“Ví dụ, khi tôi sáng tác một bài hát và bán độc quyền cho một ca sĩ thì chỉ ca sĩ đó hát. Những ca sĩ khác cover phải xin phép và trả tác quyền cho tôi. Trong trường hợp tôi bán bài hát cho công ty, họ được quyền cho phép các ca sĩ hát. Nhưng ca sĩ phải trả tiền tác quyền cho công ty đó. Đây là vấn đề kinh doanh nên họ được phép thấy lợi thì làm”, anh nói thêm với Zing.vn.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết khi ca khúc Nhật ký của mẹ do anh sáng tác được phía Nhật Bản và Đức sử dụng cũng đều phải có sự đồng ý.

“Bên Nhật sử dụng bài hát trong trường học nhưng phía Đại sứ quán cũng qua gặp để trao đổi và trả phí bản quyền cho tôi. Trong khi đó, đối tác bên Đức dù chỉ sử dụng trong một chương trình khiêu vũ cũng chủ động thông báo bằng email và gửi tác quyền. Như vậy, tôi thấy được tinh thần tôn trọng quyền tác giả của họ. Vậy tại sao bên mình lại nghĩ cover chơi là đúng. Phản ứng đó hoàn toàn sai, bởi quyền tác giả là quyền cao nhất và cần tôn trọng đầu tiên của một bài hát”, anh nhấn mạnh.

''Cần xem lại phát ngôn của Phương Thanh''

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Trong trường hợp này, nếu những thông tin mà công ty mua bản quyền đưa ra là đúng sự thật, thì họ hoàn toàn có quyền sử dụng và thu phí đối với những cá nhân, tổ chức cover bài hát Độ ta không độ nàng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009”.

“Ngoài ra luật cũng quy định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy không chỉ trường hợp Độ ta không độ nàng, bất kỳ bài hát, tác phẩm nào, nếu người biểu diễn chưa xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu thì là vi phạm quyền tác giả, kể cả ở Việt Nam chưa có công ty mua bản quyền đi chăng nữa”, luật sư nói.

Anh phân tích thêm: “Rất dễ hiểu sự bức xúc của Phương Thanh khi không chỉ cô ấy mà nhiều nghệ sĩ khác cũng chấp nhận để bản thu của mình bị gỡ bỏ. Nhưng phát ngôn của ca sĩ Phương Thanh chúng ta cần xem lại. Như đã bàn đến ở trên, kể cả trong trường hợp công ty chưa mua bản quyền đối với tác phẩm, thì việc nữ ca sĩ chủ động cover lời Việt mà chưa có sự chấp thuận của tác giả cũng là sai với quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành".

Những bản Việt hóa nổi tiếng của hiện tượng 'Độ ta không độ nàng' Các video Việt hóa của "Độ ta không độ nàng" đang gây chú ý trên mạng xã hội. Một số phiên bản có hàng chục triệu lượt xem.

ZING.VN

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây