Mỗi lít xăng có thể sẽ đắt hơn nếu thuế môi trường "gánh" thêm 1.000 đồng, với điều kiện các yếu tố đầu vào không biến động.
Trong dự thảo mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất đồng loạt tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng - mức kịch khung hiện nay.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, việc tăng thuế chắc chắn sẽ tác động tới giá cơ sở (mức giá được cơ quan quản lý lấy làm căn cứ điều hành giá bán lẻ). Ông cho rằng, trường hợp giá dầu thô và các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở không biến động, tăng thuế môi trường thêm 1.000 đồng một lít xăng, giá cơ sở sẽ tăng tương ứng. Mức tăng này chưa kể phần thuế giá trị gia tăng của thuế môi trường mới.
Ngược lại nếu các yếu tố đầu vào biến động, như thuế nhập khẩu bình quân gia quyền điều chỉnh giảm, theo tính toán của Bộ Tài chính ở thời điểm sau ngày 1/7, giá cơ sở có thể ảnh hưởng không nhiều.
Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), giá xăng sẽ bị tác động nếu thuế bảo vệ môi trường tăng thêm. Theo kết quả công bố đầu năm nay, với phương án điều chỉnh thêm 1.000 đồng một lít và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở không thay đổi, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng trong giá bán gần 5%, dầu diesel khoảng 3,2%; tăng mạnh nhất là dầu madut 8,9%.
Hiện xăng dầu được các đầu mối nhập khẩu từ nhiều thị trường với mức thuế suất ưu đãi theo các cam kết khác nhau. Do đó, cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, theo thực tế hàng hóa nhập quý trước tính cho quý sau, được Bộ Tài chính đưa ra áp dụng để xác định giá cơ sở.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiu – Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tự Lực lại cho rằng, giá bán lẻ sẽ ‘không ảnh hưởng nhiều’ nếu tăng thuế môi trường. “Thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo các cam kết quốc tế nên dù thuế môi trường tăng thêm 1.000 đồng, giá bán ra không tác động nhiều”, ông nói và cho rằng đề xuất tăng thuế là “hợp lý".
Bản thân Bộ Tài chính cũng đưa ra tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng gốc hóa thạch tăng lên 4.000 đồng một lít thì thuế suất với xăng E5 thấp hơn 200 đồng một lít, mức 3.800 đồng, giảm 50 đồng so với hiện hành. Cùng quy định thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 thấp hơn xăng gốc hóa thạch, việc tăng thuế môi trường với xăng sẽ tạo chênh lệch giữa xăng E5 và loại xăng này.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ này đề xuất tăng thuế môi trường. Cách đây một năm, Bộ cũng từng đề xuất nới khung sắc thuế này lên mức tối đa 8.000 đồng một lít nhưng không được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, lý lẽ "tăng để bù hụt thu thuế nhập khẩu" và giá xăng Việt Nam "thấp so với các nước khu vực" của Bộ Tài chính là không thuyết phục.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tiếp tục đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên kịch khung là Bộ Tài chính "chọn việc dễ cho mình nhưng khó cho xã hội". Ông Long cho biết, mình rất cảm thông với cái "khó" của cơ quan nắm ngân khố quốc gia trong bài toán bội chi ngân sách nên cách dễ và tốt nhất là tăng thuế. "Tuy nhiên, nợ công tăng thì phải tái cơ cấu thu chi ngân sách, tức là phải cả mở rộng đối tượng chịu thuế để tăng thu lẫn kiểm soát chi tiêu mới được", ông Long nói.
Tính toán của vị chuyên gia này cho thấy, giá xăng dầu của Việt Nam hiện cao hơn Mỹ 4.000 đồng và mỗi lít xăng đang cõng rất nhiều loại thuế phí. Theo ông, nếu chỉ so sánh với các nước trong khu vực để thấy giá của Việt Nam thấp là không phù hợp.
Ông cũng dẫn lại chỉ đạo mới đây của Thủ tướng cho thấy chưa nên tăng thuế, phí trong năm 2018 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. "Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người dân cũng vậy, nếu chỉ tập trung đánh thuế vào một mặt hàng như xăng dầu thì không nên", ông Long nói.
Đồng tình với quan điểm dùng công cụ kinh tế như thuế, phí để bảo vệ môi trường, song nhiều ý kiến cho rằng lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng chưa hẳn hợp lý. Bởi lẽ, ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng mà việc sử dụng nó cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, chẳng hạn than, song lại không bị đánh thuế cao như vậy. Chưa kể hiệu quả sử dụng khoản thu này ra sao tới nay vẫn là một dấu hỏi.
Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng hơn 4 lần trong 5 năm qua. Như năm 2012, số thu từ loại thuế này là 11.160 tỷ đồng, tăng lên mức 44.323 tỷ đồng năm 2016 và khoảng 44.825 tỷ năm 2017. Số tăng này có được là nhờ thuế môi trường tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi tháng 5/2015.
Nếu mức thuế môi trường mới với xăng, dầu được áp dụng từ 1/7, Bộ Tài chính dự tính mỗi năm thu khoảng 55.591 tỷ đồng thuế môi trường, tăng gần 14.900 tỷ đồng. Trong lúc số thu thuế môi trường tăng vọt thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại không tương ứng, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ sau 5 năm, tương đương 1% ngân sách.