Hai nhà khoa học Gideon Nave (Trường ĐH Pennsylvania, Mỹ) và Amos Nadler (Trường ĐH Western University, Canada) đã kiểm tra ảnh hưởng của hormone này lên khả năng tính toán của những người tình nguyện tham gia thử nghiệm, và công bố trên tạp chí khoa học Psychological Science rằng: testosterone đã khiến những người đàn ông đưa ra kết quả… sai.
Các nhà nghiên cứu đã tổ chức cho 243 nam sinh viên ĐH đến phòng thí nghiệm của họ. Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm được yêu cầu cởi áo sơ mi và phủ một lớp gel lên ngực và vai.
Tất cả các mẫu gel được đưa cho các tình nguyện viên nhìn bề ngoài và có mùi tương tự như nhau. Nhưng trong đó có 125 người được sử dụng gel có thành phần là testosterone, trong khi 118 người còn lại sử dụng gel không có hormone này. Những người tham gia thử nghiệm không được biết về sự khác biệt này.
Sau bốn giờ, đến thời điểm những người sử dụng gel có thành phần là testosterone đã được hấp thu với mức độ cao nhất vào các mạch máu và được cho rằng sẽ có thể tác động đến việc ra quyết định của mỗi người, mỗi sinh viên sẽ được hỏi một loạt câu hỏi với phần thưởng là một khoản tiền mặt nhỏ cho từng câu trả lời đúng. Ba trong số các câu hỏi được thiết kế “mẹo” sao cho có thể dẫn đến những câu trả lời không chính xác. Những câu hỏi khác thì chỉ đơn giản đòi hỏi kỹ năng tính toán chính xác về mặt số học.
Kết quả cho thấy những tình nguyện viên sử dụng gel có testosterone đã trả lời các câu hỏi “mẹo” mang tính chất đánh đố kém hơn khoảng 20% so với những người sử dụng gel không có testosterone. Trong khi đối với những câu hỏi chỉ đòi hỏi kỹ năng tính toán con số, kết quả trả lời đúng của hai nhóm tương tự như nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, đó là một khoảng cách khá lớn nếu xét trên phương diện học thuật.
Sự khác biệt chủ yếu có thể là do lượng testosterone có vẻ như gây ra ức chế hoạt động thùy trước trán của não, theo một kết quả nghiên cứu trước đó của nghiên cứu này.
“Phần thùy trước trán là bộ phận điều hành của não bộ”- tiến sĩ Nadler lý giải - “Thay vì có thể ra quyết định ở khả năng tốt nhất, testosterone có thể sẽ khiến bạn giảm sút năng lực này”.
Những câu trả lời vội vàng đối với những câu hỏi toán học đã được chứng minh đó chính là những biểu hiện đặc trưng của sự bốc đồng, nóng vội - các nhà khoa học cho biết.
Trước mắt, những gì mà thực nghiệm của các nhà khoa học cho thấy có thể khiến phụ nữ cảm thấy hả hê trước phái mạnh. Tuy nhiên, những người đàn ông cũng có thể dựa vào đó để giải thích cho sự bốc đồng của mình bằng cách đổ lỗi cho… testosterone.
“Testosterone có thể chiếm quyền kiểm soát của lý trí”- giáo sư Gideon Nave, giảng viên môn marketing tại trường ĐH Kinh doanh Wharton thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ), một chuyên gia tham gia nghiên cứu này, nhìn nhận.
Đó cũng có thể là lời cảnh báo đối với những ai tin vào những lời quảng cáo “Muốn trở nên tốt hơn trong chuyện chăn gối?” hoặc tán dương những lợi ích của testosterone trong tập thể hình.
Đã có rất nhiều cáo buộc pháp lý chống lại các sản phẩm bổ sung testosterone cho rằng khi sử dụng vượt quá mức ở nam giới - vốn đã có nội tiết tố này nhiều hơn nhiều so với phụ nữ - sẽ có thể phá hủy hệ tim mạch và gây ra nhiều tác dụng phụ khác.
Trong khi hai nhà khoa học Nave và Nadler đã chỉ ra một số mặt tiêu cực của testosterone, họ đồng thời cũng cho rằng trong khi một số tình huống cần phải có sự tính toán bằng nhận thức, thì trong một số trường hợp khác testosterone là hữu dụng, ví dụ như khi cần phải ra quyết định ngay lập tức theo kiểu “đánh hay là chuồn”.
“Việc kích thích các phản ứng mang tính bản năng bởi testosterone có thể tạo ra sự linh hoạt cần thiết trong những tình huống mà sự thành công phụ thuộc vào bản năng, ví dụ như trong quá trình giao hợp” - kết quả nghiên cứu cho thấy.
“Không có sự đúng sai rõ ràng”- tiến sĩ Nave nhìn nhận - “nhưng thực nghiệm mà chúng tôi tiến hành đã cho thấy, trong trường hợp liên quan đến toán học, đó là một sự đúng sai rõ ràng”.