Thời điểm này, nhiều người dân huyện Nghi Lộc ( Nghệ An) phải dậy thật sớm để vào rừng “săn” lá thông bởi nếu không nhanh chân dễ trở về tay không…
Những ngày này, trên các cánh rừng tại xã Nghi Lâm, Nghi Mỹ, Nghi Kiều… của huyện Nghi Lộc lá thông bắt đầu rụng nhiều, phủ kín trên nền đất. Tuy nhiên, điều đặc biệt là lá rụng bao nhiêu đều được người dân thu dọn bấy nhiêu.
Thời điểm này, ngày nào cũng có người dân vào trong rừng cào lá thông để phủ lên cây hành tăm – giống cây vốn có mùa vụ gieo trồng bắt đầu từ tháng 7 hàng năm. Nhiều hộ gia đình đã đi từ 4 – 5 giờ sáng, để tránh trời nắng cũng như cào được nhiều lá thông
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lâm, xóm 12, xã Nghi Lâm cũng như nhiều gia đình khác vào rừng lấy lá thông từ lúc 5 giờ sáng. Chị Lâm chia sẻ: Chúng tôi làm việc này nhiều năm nay rồi, lá thông sạch, có độ xốp cao, giúp tăng năng suất rõ rệt cho cây trồng, đặc biệt là hành tăm – cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay trên địa bàn xã.
Lá thông khô dù có rất nhiều, tuy nhiên, những người đi sớm mới có thể vơ được nhiều, những người đi sau phải đi quãng đường khá xa mới có thể có được lá thông. Nhà nào không có điều kiện lên rừng lấy lá thông đành phải mua với giá 1,5 triệu đồng/xe ô tô. Do đó mà người người, nhà nhà đổ dồn vào rừng để “săn” lá thông.
Sau khi lấy lá thông về, bà con vận chuyển ra các cánh đồng và chất thành đống để khi gieo củ hành tăm xong sẽ phủ lên
Ông Nguyễn Sỹ Hồi ở xã Nghi Lâm cho biết: Con cái đi làm ăn xa cả, tôi dù đã có tuổi nhưng cứ đến vụ hành tăm vẫn phải vào rừng cào lá thông, sau đó thuê xe chở về, chi phí từ 200.000 – 300.000 đồng/chuyến.
Xã Nghi Lâm có trên 80 ha hành tăm. Để trồng 1 ha cần tới 20 xe lá thông, có nghĩa là tốn khoảng 20 triệu đồng (mỗi xe 1 triệu đồng). Tính ra, 80 ha hành tăm nếu bà con mua lá thông thì chi phí có thể từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Đây là một nguồn lợi vô giá mà nhiều nơi còn bỏ hoang
Ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: Toàn huyện có khoảng 4.500 ha thông, mặc dù có diện tích rừng thông khá lớn nhưng tại các vùng chuyên trồng hành tăm như Nghi Lâm, Nghi Kiều… vẫn không đủ để phục vụ người dân trồng hành. Việc dùng lá thông phủ lên hành tăm mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp hành tăm tăng năng suất, đồng thời giảm thiểu rõ rệt nguy cơ cháy rừng, vốn đang nóng hiện nay.