Thứ bảy - 29/09/2018 11:11

Rơi vật liệu xây dựng gây chết người: Xử lý nhà thầu vô trách nhiệm

 
Những cái chết bất thình lình như vậy, liệu có thể tránh được không khi công trình nằm sát mặt đường, không có lưới che chắn, giàn giáo lộ thiên?

Một vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ và một người bị thương phải đi viện. Nguyên nhân được xác định là do khung sắt công trình rơi từ tầng 7 của một công trình 16 tầng đang thi công trên đường Lê Văn Lương. Tai nạn bất ngờ ập xuống, không rơi trúng người này thì rơi vào người khác bởi thời điểm đó, lưu lượng giao thông của Hà Nội đang vào giờ cao điểm và trời lại nhập nhoạng tối.

Những cái chết bất thình lình như vậy, liệu có thể tránh được không khi công trình nằm sát mặt đường, không có lưới che chắn, các giàn giáo xung quanh đều lộ thiên? Không khó để bắt gặp những công trình tương tự ở các quận, huyện, tồn tại ngang nhiên, thách thức các nhà quản lý. Điều đáng nói là vụ tai nạn xảy ra ở con đường vốn rất “nổi tiếng” ở thủ đô khi 1 km đường, có thể “gánh” tới 40 tòa nhà cao tầng lớn, nhỏ. 

Đây không phải là lần đầu, Hà Nội xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do mất an toàn khi thi công các công trình trên cao như: đứt cáp cần cẩu, rơi cốp pha, sập giàn giáo, đổ bê tông, rơi thanh sắt... Chỉ một tháng trước đó, trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cũng xảy ra một vụ đứt cáp cần cẩu trục khiến vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành, làm 2 người bị thương…. Quy trình xử lý các vụ tai nạn cũng không có gì mới: Đình chỉ thi công công trình trong một khoảng thời gian, công bố nguyên nhân, phạt hành chính và bồi thường cho người bị nạn. Bởi vậy, việc Hà Nội khởi tố vụ án rơi thanh sắt công trình ngày 27/9 trên đường Lê Văn Lương là việc làm cần thiết và không cứ phải có người chết mới khởi tố điều tra.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trong quá trình thi công các công trình xây dựng, trong đó, không ai đảm bảo rằng, các nhà thầu phụ đủ năng lực, không ai dám chắc những người công nhân xây dựng được đào tạo lành nghề. Nhiều người trong số họ rời bỏ làng quê, ngày hôm trước còn xuýt xoa ngước nhìn các tòa nhà cao tầng thì có thể ngày mai, họ trở thành công nhân xây dựng. Người đi sau học hỏi người đi trước.

Những cái chết bất thình lình cho người đi đường thì ai cũng thấy. Còn biết bao cái chết “bên trong công trình”, lặng lẽ và tủi phận. Dù được chủ đầu tư đền bù một khoản tiền không nhỏ nhưng những cái chết như vậy vẫn không khỏi chua xót. 

Đánh đổi những mạng người để lấy những công trình hiện đại, đánh đổi những cái chết oan uổng để thủ đô ngày càng vươn cao, vươn xa… Nghe thật đau lòng. 

Nếu các cơ quan chức năng ngăn chặn ngay từ đầu, xử lý nghiêm các công trình sai phạm từ khi chưa xảy ra sự cố, nếu các chủ đầu tư có trách nhiệm với công nhân của mình, trách nhiệm với cộng đồng… thì có lẽ, những cái chết “bất thình lình” có thể được hạn chế

Bởi vậy, dư luận cho rằng, sẽ là quá muộn nếu không xử lý hình sự những chủ đầu tư, nhà thầu vô trách nhiệm, không đảm bảo các điều kiện về an toàn công trình, an toàn lao động./.
 

Xem thêm: Tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh

VOV

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây