Kỳ thi THPT quốc gia áp dụng từ năm 2015 với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thay vì phải thi nhiều lần, ở nhiều địa điểm, thí sinh dự thi ở các cụm (năm 2015-2016) hoặc ngay tại địa phương (năm 2017-2018) và chỉ kéo dài tối đa ba ngày.
Kỳ thi năm 2018 khiến dư luận bất bình vì bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La. Nhiều địa phương cũng bị nghi ngờ với số điểm cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lập các tổ công tác đi xác minh.
Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc trao đổi với 26 chuyên gia, người quan tâm đến giáo dục để góp ý một số vấn đề, trọng tâm là kỳ thi THPT quốc gia. Các đại biểu đã đánh giá, tranh luận nhiều vấn đề của kỳ thi.
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Theo Bộ Giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2018 đạt 97,57% (trên tổng số hơn 879.700 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp). Trong đó, giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.
Với kỳ thi THPT quốc gia chỉ để loại bỏ hơn 2% học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp, một đại biểu kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp, chỉ cần tổ chức một kỳ thi quốc gia để tuyển sinh đại học.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khi xây dựng phương án thi, có ý kiến nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ tổ chức thi đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận. Ý kiến này vấp phải sự phản đối bởi dù điểm thi THPT quốc gia thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tốt nghiệp, đây vẫn là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học. Với tình trạng bệnh thành tích, cục bộ hiện nay, học sinh dù không cố gắng học vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp. Mặt khác, theo quy định tại Luật Giáo dục (Điều 31), học sinh phải thi THPT mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Xét tốt nghiệp theo tiêu chí nào?
Theo quy định, điểm xét tốt nghiệp gồm: điểm các bài thi THPT quốc gia, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12, cộng tất cả chia 2. Điểm thi THPT quốc gia chỉ có giá trị một nửa trong điểm xét tốt nghiệp. Thế nên dù điểm thi năm 2018 của thí sinh thấp, tỷ lệ tốt nghiệp vẫn trên 97%.
Trước nghịch lý này, có đại biểu đề xuất không nên duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn điểm thi quốc gia vì vừa ảnh hưởng tới tầm quan trọng, ý nghĩa kỳ thi (chưa thi đã biết đỗ), vừa ảnh hưởng tới định hướng phân luồng sau THCS.
Trái ngược với quan điểm trên, một đại biểu cho rằng không thể chỉ lấy điểm thi THPT quốc gia là tiêu chí chính để xét tốt nghiệp. Vì học là cả quá trình và trong quá trình học cũng có nhiều bài thi, kiểm tra.
Dung hòa hai ý kiến trên, một đại biểu cho rằng kết quả thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể là căn cứ chủ yếu để xét tốt nghiệp, vì nếu đề thi dễ tỷ lệ đạt tốt nghiệp sẽ cao và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn cần có tỷ trọng xét điểm học bạ phù hợp để vừa hạn chế tình trạng điểm học bạ "thành tích, cục bộ", vừa hạn chế rủi ro "học tài thi phận".
Ai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Gọi kỳ thi hiện nay là “2 trong 1”, theo một đại biểu là không chính xác, dẫn tới méo mó. Thực tế đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là đánh giá đạt chuẩn chứ không phải là xếp hạng, thi tuyển. Do vậy, cần siết kỷ cương để địa phương thực hiện nghiêm, không nên để các trường đại học tham gia vì dễ dẫn tới hiểu lầm là kỳ thi tuyển sinh đại học. Các trường đại học cũng có thể vì thế mà đặt ra quá nhiều yêu cầu về tổ hợp và độ phân hóa điểm thi.
Những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La nằm ở khâu chấm thi, được thực hiện ở địa phương. Để hạn chế sự lộng hành của những người trực tiếp tham gia quá trình chấm thi như ông Vũ Trọng Lương (Hà Giang), nhiều người đề xuất không giao địa phương mà Bộ phải chủ trì để đảm bảo khách quan, công bằng.
Đại biểu khác góp ý Bộ Giáo dục không nên và không thể ôm đồm, giao địa phương chủ trì là hợp lý. Để phát huy hiệu quả, đại học phải tăng cường trách nhiệm giám sát; khâu chấm thi nên tập trung về Bộ, ít nhất là với bài thi trắc nghiệm.
Ai tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học?
Không thể tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học vì trái với các quy định của Luật Giáo dục đại học (Điều 34) cũng như định hướng đẩy mạnh tự chủ đại học, một đại biểu nêu ý kiến. Thực tế, hiện không có quy định nào cấm đại học tự hoặc liên kết với nhau tổ chức thi tuyển sinh, và nhiều đại học vẫn đang tuyển sinh mà không căn cứ kết quả thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, một đại biểu đã chỉ ra thực tế chỉ số ít đại học sẵn sàng tổ chức thi tuyển sinh riêng, đại đa số vẫn ỷ lại vào Bộ Giáo dục, muốn kỳ thi THPT quốc gia phục vụ mục đích tuyển sinh cho mình.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết từ khi xây dựng phương án thi đã tính đến giao cho các đại học tổ chức tuyển sinh. Tuy nhiên, dù Bộ đã khuyến khích, thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí. Hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.
Thi trắc nghiệm có phải là phương án tối ưu?
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong hai bài thi tổ hợp.
Ngoài Ngữ văn thi tự luận, 8 bài thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Hình thức thi này vẫn là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm qua.
Trong cuộc trao đổi, một đại biểu thẳng thắn nêu quan điểm không nên tiếp tục thi trắc nghiệm vì sẽ hạn chế tư duy của học sinh, khó đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực, chứa đựng nhiều yếu tố may rủi.
Một đại biểu khác lại có quan điểm trái ngược, cho rằng dù có những hạn chế nhất định, trắc nghiệm vẫn là hình thức tốt nhất để hạn chế tiêu cực trong coi thi và chấm thi (nhắc bài, chép bài của nhau, chấm thi chặt/lỏng), vốn là căn bệnh nguy nan nhất hiện nay.
Ai chịu trách nhiệm cho những sai phạm trong kỳ thi 2018?
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, tại Hà Giang, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố cao hơn điểm chấm thẩm định từ 1 đến 29,95. Ông Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can tham gia sửa điểm ở Sơn La.
Số bài thi ở Hà Giang được nâng điểm theo các môn102102858556565252998833Số lượngToánVật lýHóa họcTiếng AnhLịch sửSinh họcĐịa lý0255075100125Tiếng Anh● Số lượng: 52Trong cuộc trao đổi với Phó thủ tướng, một đại biểu chỉ trích sai phạm xuất phát từ quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học của Bộ còn lỗ hổng, dễ bị lợi dụng. Bộ và trực tiếp là Ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia có khuyết điểm.
Đại biểu khác cho rằng sai phạm là lỗi của địa phương, vì dù quy chế có tốt đến đâu thì cũng phụ thuộc vào người thực hiện. Ý kiến khác cho rằng lỗi của cả Bộ và địa phương, nhìn rộng ra vấn đề suy thoái, tiêu cực của cán bộ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La là rất nghiêm trọng. Bộ đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần xử lý nghiêm minh cá nhân vi phạm.
“Ở đây chúng tôi nói rõ, sai phạm thì phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng phát biểu.
Theo ông Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 như: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề có những câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ đối với địa phương đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Làm thế nào để cải thiện chất lượng kỳ thi THPT quốc gia?
Với những thiếu sót về quy chế, nhiều người đề xuất bổ sung công cụ tin học hạn chế tối đa khả năng can thiệp bằng công cụ kỹ thuật, làm thay đổi thực trạng bài thi, kết quả thi. Các quy định từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi đều phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và trường đại học để nếu có vi phạm, tất cả cùng chịu trách nhiệm và được xử lý nghiêm.
Đề thi phải phản ánh đúng ngưỡng hay chuẩn phải đạt để tốt nghiệp. Ngưỡng này nên tương đương các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Học sinh phải đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT mới được cấp Bằng tốt nghiệp THPT, nếu không hoặc chưa đỗ thì chỉ được cấp Chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT. Muốn vào đại học, học sinh thì phải có bằng THPT. Phương án này vừa đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi mà không phụ thuộc yêu cầu “phải tốt nghiệp gần 100%”.
Các đại biểu nhất trí hướng tới sau một số năm, đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tài chính, tổ chức, quá trình đào tạo có đào thải để đảm bảo chất lượng đầu ra và phân luồng học nghề từ THCS. Khi chất lượng học, thi THPT quốc gia đảm bảo, học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chỉ cần đăng ký vào học đại học. Chỉ một số trường có nhu cầu sẽ tổ chức thi, xét tuyển riêng như nhiều nước tiên tiến hiện nay.
Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.
Thùy Linh
TAG: Tin tức Nghệ An, Tin Tức Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh
Bình luận
Tin cùng chuyên mục
Hội đồng tuyển sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh vừa công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 năm học...
Bạn đang tìm kiếm đơn vị cài win chất lượng, giá rẻ? Https://caiwintainhahanoi.net/ chính là lựa chọnhoàn hảo nhất dành cho bạn.
Những người sinh sống gần hiện trường cho biết, hôm xảy ra sự việc giữa nạn nhân và người yêu có xảy...