Ngoài những diện tích chè bị cháy táp lá, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương đã có khoảng 3 ha chè bị cháy nặng nề, khó cứu vãn. Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có gần 1.000 ha chè thì trong đó, khoảng 30% ở xóm Sướn, 12/9, 26/3 đã được đầu tư hệ thống tưới. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, ở nhiều vùng nguồn nước đã khô cạn, không thể tưới được nữa.
Đến nay, huyện Thanh Chương đã có gần 500 ha chè bị cháy sém lá, nằm rải rác ở tất cả các xã vùng chè của huyện. Chỉ cần nắng nóng như thế này vài ba ngày nữa, nguy cơ chè chết cháy trên diện rộng là rất cao.
Chè bị cháy rụi tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: CTV
Đến nay, toàn huyện Anh Sơn đã có 211 ha chè bị cháy sém lá. Và ngoài 250 ha chè đã được đầu tư hệ thống tưới còn có khả năng “vớt vát”, toàn bộ diện tích chè còn lại của huyện đang trong tình trạng rất nguy hiểm.
Tại huyện Con Cuông, đến ngày 22/6 đã có 138 ha/ 356 ha chè của huyện bị cháy lá, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình thiệt hại của cây chè. Ảnh: Phú Hương
Hầu hết hệ thống giếng khoan để tưới cho chè đều đã cạn nước từ 20 ngày nay. Hiện chúng tôi chỉ còn cách khuyến cáo bà con không thu hoạch chè trong thời gian nắng hạn, tủ gốc giữ ẩm cho chè. - Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông.
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh đã có gần 800 ha chè bị cháy sém lá, một số ít diện tích bị cháy nặng nề.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, trong thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa, khả năng hạn hán tiếp tục tiếp diễn và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho vùng chè của tỉnh. Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV: Các địa phương và người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, cùng các biện pháp tưới nước, tấp tủ, bà con không nên thu hoạch chè vào những ngày nắng nóng.