Trong số rất nhiều cầu thủ SLNA ra đi tìm bến đỗ mới khiến đội bóng xứ Nghệ điêu đứng, có thể kể đến lứa cầu thủ Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình gia nhập B. Bình Dương năm 2014. Các cầu thủ Trần Đình Đồng, Ngô Hoàn Thịnh gia nhập FLC Thanh Hóa. Trần Phi Sơn gia nhập CLB TP Hồ Chí Minh mới đây hay Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn gia nhập Hà Nội T&T năm 2008.
Các cầu thủ đó, đều ra đi theo dạng tự do và dĩ nhiên khi ký hợp đồng mới với các CLB khác, cầu thủ được nhận toàn bộ tiền lót tay.
Lê Công Vinh là một trong số nhiều cầu thủ thành danh từ SLNA. Ảnh: Lâm Thỏa
Trong lịch sử SLNA, đội bóng xứ Nghệ chỉ có nguồn thu từ chuyển nhượng cầu thủ từ 2 trường hợp cụ thể nhất. Đó là trung vệ Hoàng Văn Khánh được XSKT Cần Thơ mượn về mùa bóng 2015 (khoảng 500 triệu đồng) và Lê Công Vinh được CLB Consadole Sapporo chiêu mộ cũng theo dạng cho mượn.
Tuy nhiên, những con số đó là không đáng kể và nhằm nhò gì so với số tiền lót tay tiền tỷ mà mỗi cầu thủ được nhận khi rời SLNA.
Năm 2014, Lê Công Vinh sau khi trở về từ Nhật Bản đã được Sapporo đề nghị chính thức với SLNA mua đứt 2 năm với số tiền phá vỡ hợp đồng lên đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Công Vinh thì tại SLNA không ai dám quyết định và anh chỉ rời SLNA khi kết thúc hợp đồng, gia nhập B. Bình Dương sau đó.
Cũng vì lẽ đó mà theo chia sẻ của TGĐ SLNA ông Nguyễn Hồng Thanh, các cầu thủ khi hết hợp đồng được đàm phán gia hạn nhưng số tiền không thể nhiều như các CLB lắm tiền nhiều của. Họ được tạo điều kiện tối đa để tìm kiếm tương lai mới vì những người làm bóng đá SLNA hiểu rằng sự nghiệp cầu thủ rất ngắn ngủi.
Như vậy, nhìn nhận một cách nghiêm túc, SLNA cần thay đổi tư duy và cách làm bóng đá để không dễ dàng đánh mất những tài năng do chính mình đào tạo. Đồng thời, đảm bảo được chế độ đãi ngộ để các cầu thủ xứ Nghệ yên tâm ở lại cống hiến lâu dài.
Xem thêm: Tin tức Nghệ An, tin tức Hà Tĩnh, tin tức Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh