Mô hình VNEN "vỡ trận"
Không phải đến bây giờ mà ngay trong năm học 2015-2016, khi mô hình VNEN được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh triển khai ồ ạt ở các trường tiểu học, THCS đã có tiếng nói từ phụ huynh học sinh không đồng thuận với mô hình này.
Hệ quả tất yếu là phụ huynh đã làm đơn tập thể, kiến nghị lên lãnh đạo các cấp, kiến nghị lên Hội đồng và năm 2016 một loạt trường ở Hà Tĩnh bỏ mô hình trường học mới VNEN, quay lại chương trình hiện hành. Đó là các trường: THCS Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên); THCS Chu Văn An (Hương Khê);THCS Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh); THCS Nam Hà, THCS Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh).
Do triển khai vội vã, bất cập với các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ cũng như quản lý, chỉ đạo và nhất là rút ra những kết luận khoa học từ thử nghiệm để nhân rộng mô hình, mô hình VNEN tại đất học Hà Tĩnh đã không tìm được tiếng nói chung với phụ huynh học sinh.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng khoa học do ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch hội đồng điều tra, khảo sát thực trạng mô hình VNEN tại Hà Tĩnh.
Sau 1 năm làm việc, Hội đồng đã có Văn bản báo cáo chính thức với UBND, Hội đồng nhân dân tỉnh. Dựa vào những kết luận khoa học ấy, UBND tỉnh đã ra Công văn 4885, dừng hẳn mô hình VNEN ở THCS và đối với các lớp 3, 4,5 muốn tiến hành mô hình VNEN phải đảm bảo các điều kiện: Có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đúng chuẩn, đội ngũ GV đủ năng lực giảng dạy chương trình, lớp học dưới 30 em/ lớp; và phải có từ 2/3 số lượng GV và phụ huynh tham gia bỏ phiếu kín tán thành.
Thực hiện Công văn 4885 của Chủ tịch UBND tỉnh: Ngày 10/8, chín trường tiểu học ở huyện Hương Sơn và 9 trường tiểu học ở huyện Thạch Hà qua “rà soát” không đủ điều kiện tiếp tục chương trình VNEN.
Ngày 16 tháng 8/2017, có 7 huyện qua “rà soát” nói không với VNEN. Đó là Thị xã Hồng Lĩnh ( 4 trường), Can Lộc (13 trường), Cẩm Xuyên (8 trường); Thành phố Hà Tĩnh (5 trường); Lộc Hà (16 trường); Kỳ Anh (5 trường), Thị xã Kỳ Anh (5 trường).
Đến ngày 23/8, các trường thuộc 4 huyện còn lại: Vũ Quang (4 trường) Hương Khê (16 trường), Đức Thọ (9 trường); Nghi Xuân (19 trường) sau khi “rà soát” đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh không đủ điều kiện để triển khai mô hình THM VNEN trong năm học mới 2017-2018.
Như vậy, đến ngày 23/8/2017, 100% trường học ở 13 huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh đã nói “ không” với VNEN.
VNEN “vỡ trận”, nhiều hậu quả còn để lại
Hà Tĩnh là tỉnh không nằm trong dự án GPE-VNEN, nên khi triển khai mô hình này, ngân sách dựa vào nguồn đóng góp từ phụ huynh. Một số trường do sốt sắng triển khai nên đã phải vay nợ.
Vì vậy, từ VNEN chuyển sang chương trình hiện hành, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cũng như các điều kiện dạy học khác phải có kinh phí để mua sắm. Nguồn kinh phí ấy từ đâu? Đây là khó khăn, lúng túng cho cơ sở Giáo dục. Và như vậy, các cơ sở Giáo dục đã phải lãng phí nguồn tiền không nhỏ để triển khai VNEN. Vậy ai chịu trách nhiệm về điều này?
Chương trình VNEN với khung chương trình, sách giáo mhoa, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học khác chương trình hiện hành. Từ VNEN trở lại chương trình hiện hành, sẽ có nhiều kiến thức, nhiều nội dung, nhiều chương lệch pha giữa hai chương trình, hai bộ sách. Vậy, làm sao để có thể kịp thời bổ túc cho học sinh, khi mà chỉ còn 1 tuần nữa là bước vào năm học mới?
Nhưng quan trọng nhất chính là thay đổi tổ chức, hình thức, phương pháp dạy học cần thời gian để bồi dưỡng đội ngũ, tạo cho học sinh một tâm thế tiếp nhận tích cực chủ động, để bước vào năm học mới, chương trình khác đó là những điều cần phải được tính toán, xử lý hậu VNEN.