Thứ năm - 24/08/2017 10:26

Nghệ An: “Nóng” nghị trường việc dừng hay triển khai rộng rãi mô hình VNEN

 
Theo các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An, việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) vẫn còn nhiều bất cập, hiện tại chưa phù hợp để triển khai rộng rãi mô hình này ra toàn tỉnh.
Mô hình trường học mới (VNEN) được thí điểm thực hiện tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An.
Mô hình trường học mới (VNEN) được thí điểm thực hiện tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An.


Thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), Nghệ An đã thí điểm triển khai tại 73 trường tiểu học, 26 trường THCS. Kết thúc thí điểm, trên cơ sở những kết quả đạt được Sở GD-ĐT Nghệ An đã lấy ý kiến của các giáo viên, cán bộ quản lý về việc tiếp tục duy trì mô hình này.

Theo kết quả khảo sát ý kiến của Sở GD-ĐT Nghệ An, có 97,7% cán bộ quản lý và giáo viên thuộc 73 trường thực hiện thí điểm đề nghị tiếp tục duy trì các mô hình của Dự án (trong đó 70/73 trường đề nghị tiếp tục triển khai tất cả các thành tố của Dự án, 3 trường đề nghị chỉ thực hiện một phần, không sử dụng tài liệu của Dự án trong dạy và học (Trường TH Nguyễn Trãi, TP. Vinh; TH thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn; TH Tiền Phong 2, huyện Quế Phong). Có 412/470 trường tiểu học không thực hiện thí điểm đăng ký thực hiện các thành tố của mô hình trường học mới.

Đại biểu Đinh Thị An Phong cho rằng, dạy học theo mô hình này cần rất nhiều điều kiện, trong khi đó nhiều bất cập về cơ sở vật chất, giáo viên, tài liệu học tập, sỹ số, sự đồng thuận của phụ huynh.

Chất vấn bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, đại biểu An Phong nêu câu hỏi: “Hiện nay, trong toàn tỉnh còn nhiều nơi thiếu phòng học, tập huấn cho giáo viên còn sơ sài, phụ huynh không đồng thuận… nên cử tri cho rằng, thực tế của tỉnh chưa phù hợp để triển khai rộng mô hình dạy học này. Bà suy nghĩ như thế nào về ý kiến của cử tri?

Là thủ lĩnh ngành, theo bà, thời gian tới, ngành có nên tham mưu và quyết định dạy học theo mô hình mới này không? Với tư cách là Giám đốc Sở, bà có chịu trách nhiệm về chất lượng dạy và học theo mô hình mới hay không?” .

Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy thì cho rằng mô hình VNEN vẫn còn nhiều bất cập, các tên gọi như Hội đồng tự quản, Chủ tịch… là khiên cưỡng, không thích hợp với môi trường giáo dục. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, các đại biểu nhận được phản ánh về chỗ ngồi, sỹ số không đều, sách giáo khoa chưa đủ… Đại biểu Thủy đặt câu hỏi: “Trong giai đoạn thí điểm có hỗ trợ kinh phí, nhưng sau khi kết thúc thí điểm, không có hỗ trợ thì sẽ thực hiện như thế nào? Quan điểm của Sở có nên dừng mô hình này hay không?”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An): "Trả lời về mô hình VNEN của Sở GD-ĐT Nghệ An trái với Công văn Bộ GD-ĐT trả lời các đại biểu Quốc hội: khuyến khích trên cơ sở tự nguyện; lựa chọn nhân tố tích cực; áp dụng mô hình tiên tiến khác. Theo chuẩn này thì chúng ta phải hạn chế dần và phải tìm một mô hình mới, song ở Nghệ An thì không…”.

Theo đại biểu Lục Thị Liên (huyện Quỳ Châu) thì nhiều ý kiến trái chiều cho rằng học sinh khá giỏi mới tiếp cận tốt mô hình VNEN, báo cáo giải trình của Sở GD-ĐT cũng đã có đề ra những bất cập, nhất là ở miền núi, 1 trường chỉ có 2 giáo viên đi tập huấn, học sinh nhận thức còn kém, chưa nói rõ tiếng phổ thông. “Đề nghị Sở GD-ĐT cho biết áp dụng mô hình này ở miền núi đã phù hợp hay chưa? Đã có giải pháp gì hỗ trợ cho các trường và giáo viên miền núi?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (huyện Đô Lương) thẳng thắn: “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều giải pháp chấn chỉnh học thêm và dạy thêm, tuy nhiên qua thực hiện mô hình VNEN ở các trường xảy ra tình trạng phụ đạo thêm buổi chiều cho học sinh do lo lắng học sinh không nắm được bài học trên lớp. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?”.

Trả lời chất vấn các đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Về nguyên lý, mô hình VNEN là tốt, điều quan trọng là thực hiện có phù hợp hay không. Về điều kiện, mô hình VNEN không đòi hỏi quá cao mà cơ bản là có phòng học với trang thiết bị theo phòng học bình thường. Giáo viên tại các trường thực hiện mô hình VNEN đều đủ chuẩn đào tạo, tuy nhiên, dạy theo mô hình này giáo viên phải giỏi và tâm huyết, trách nhiệm. Tài liệu có sự khác biệt nhưng về khung chương trình và chuẩn kiến thức là như nhau.

“Việc phụ đạo cho học sinh chỉ xảy ra ở một số nơi, nhất là TP Vinh; chủ yếu do phụ huynh quá quan tâm lo lắng cho con em, băn khoăn về hiệu quả và lộ trình triển khai cũng như việc thi cử như thế nào. Vấn đề này Sở sẽ rà soát và có điều chỉnh”, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.


Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho biết, việc nhân rộng mô hình trường học mới VNEN Sở khuyến khích các trường áp dụng theo tinh thần tự nguyện. Những trường đã thực hiện thì tiếp tục phát huy hiệu quả, những trường còn lại áp dụng các thành tố tích cực của mô hình. Những giải pháp nào phù hợp thì áp dụng, vận dụng linh hoạt. Những thành tố không phù hợp thì không triển khai.

Sau khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh mô hình VNEN, ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị tạm dừng nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện. Nếu có trường thực hiện thì cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện triển khai.

DANTRI

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây