Thứ hai - 03/06/2019 07:57

Mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

 
Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch đề xuất mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong hòa bình với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm với cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La AFP
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La AFP

Trong bài phát biểu ngày 2.6 tại diễn đàn hợp tác an ninh quốc phòng khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối diện nhiều thách thức an ninh bao gồm cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, nhất là những nước lớn, theo TTXVN. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng, khác biệt về lợi ích chiến lược, sự không nhất quán giữa lời nói và hành động cùng cách hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác cũng như lợi ích chung.

Bên cạnh đó, đại tướng nhận định tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, ông đánh giá cao tiến triển trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. “Trong tiến trình này, VN đã, đang và sẽ hợp tác, kiên trì thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc cùng các bên có liên quan để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng khẳng định. Theo ông, VN và Trung Quốc nhất trí rằng vẫn còn khác biệt về Biển Đông nhưng tiếp tục duy trì hòa bình và hợp tác vì lợi ích chung. “Đó là nền tảng và cơ sở để hai bên thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột”, đại tướng lưu ý. Làm được như vậy, VN và Trung Quốc sẽ đóng góp một “mô hình tốt” để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình với tinh thần đối tác vì trách nhiệm cộng đồng”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Cùng ngày, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố nước này “sẽ chiến đấu đến tận cùng và bằng mọi giá để bảo vệ các lợi ích quốc gia”, liên quan tới cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như vấn đề Đài Loan. Về Biển Đông, ông Ngụy lớn tiếng chỉ trích các bên khác “diễu võ dương oai trên danh nghĩa tự do hàng hải” nhưng không nhắc cụ thể nước nào. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhận định “sẽ là thảm họa” nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, theo Reuters.

Sau đó, các phóng viên và chuyên gia quốc tế tham gia hội nghị đưa ra hàng loạt câu hỏi đối với Bộ trưởng Ngụy. Đáng chú ý nhất là câu hỏi vì sao Trung Quốc hứa hẹn không quân sự hóa Biển Đông, tuân thủ luật quốc tế nhưng cùng lúc mở rộng, xây cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp trong khi tòa án quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò”. Trong phần trả lời, ông Ngụy chỉ lặp lại quan điểm ngang ngược lâu nay rằng: “Trung Quốc xây dựng cơ sở mới, mở rộng dịch vụ để cải thiện đời sống của người trên các đảo. Đây không thể gọi là quân sự hóa. Khi có mối đe dọa từ bên ngoài, chúng tôi buộc phải có biện pháp phòng vệ”. Trong bài phát biểu mở màn Đối thoại Shangri-La trước đó một ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã lên án mưu đồ bá quyền tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt “cách hành xử làm xói mòn chủ quyền các quốc gia khác”.

Khi được hỏi về đánh dấu 30 năm sự kiện quân đội Trung Quốc giải tán cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn (3.6.1989 - 3.6.2019), ông Ngụy gọi đây là “chính sách đúng đắn để đảm bảo an ninh trật tự xã hội”.
 
Tổng thống Trump cảnh báo về Huawei

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua kêu gọi chính phủ Anh cẩn trọng về mối đe dọa an ninh quốc gia nếu cho phép Tập đoàn Huawei tham gia dự án mạng di động 5G. “Anh có lựa chọn riêng, nhưng phải thận trọng trước nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Hai quốc gia chúng ta hợp tác về chia sẻ thông tin tình báo nên Anh cần phải thật sự cảnh giác”, tờ The Sunday Times dẫn lời nhà lãnh đạo nói. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Đức cùng những quốc gia khác nên cân nhắc về mối đe dọa an ninh trong hợp tác công nghệ với Trung Quốc, cụ thể là thiết bị của Huawei, theo Reuters.

Về phần mình, chính phủ Trung Quốc hôm qua công bố Sách trắng xung đột thương mại với Mỹ với nội dung cảnh báo Washington “phải chịu trách nhiệm vì bế tắc trong tiến trình đàm phán”.

thanhnien.vn

 

  Bình luận

Tin cùng chuyên mục

TIN MỚI ĐĂNG

Công nghệ giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây