Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Hội đồng Chính phủ đã tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng học tập, làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch, với mục tiêu, nhiệm vụ, cách làm cụ thể.
Trong Công báo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa số đặc biệt, ra ngày 29/9/1969 (lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III), bên cạnh việc công bố bản Di chúc viết năm 1965, tiểu sử tóm tắt, việc tổ chức lễ quốc tang, điếu văn của đồng chí Lê Duẩn... tờ công báo này còn đăng tải các văn bản (có thể xem đây như một hồ sơ) phản ánh việc tổ chức và học tập theo Di chúc của Hồ Chủ tịch.
Quá trình khởi động cho một đợt sinh hoạt chính trị quy mô lớn
Sau phiên họp bất thường ngày 3/9/1969, Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Lời kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng bào cả nước hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch, thực hiện thắng lợi lý tưởng hoài bão của Người.
Một ngày sau đó, Hội nghị liên tịch đặc biệt giữa Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt với nội dung: quyết định tổ chức quốc tang cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 7 ngày (04/9 - 10/9/1969); kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, tăng cường đoàn kết, thực hiện nguyện vọng cao cả của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Cũng trong ngày này, ở miền Nam, Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, UBTW Liên minh các dân tộc, dân chủ hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ cũng tổ chức Hội nghị liên tịch và đi đến quyết định để tang Hồ Chủ tịch và ra Lời Hiệu triệu (ngày 5/9/1969) gửi toàn bộ cán bộ chiến sĩ đồng bào miền Nam Việt Nam “quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, đem hết tinh thần và sức lực hy sinh phấn đấu đến cùng để thực hiện cho bằng được sự nghiệp cao cả của Hồ Chủ tịch đã giao phó cho nhân dân Miền Nam và nhân dân cả nước”.
Ngày 9/9/1969, tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng đã đọc Điếu văn vĩnh biệt Hồ Chủ tịch. Thay mặt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng chí đã hứa với Bác sẽ thực hiện tốt những điều căn dặn trong Bản Di chúc để xứng đáng với Bác.
Di chúc Hồ Chí Minh. |
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa III, từ ngày 22/9 đến ngày 23/9/1969 đã tiến hành phiên họp thường kỳ có nội dung đặc biệt gồm hai phần (1) Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, (2) Quốc hội bầu cử Chủ tịch mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại buổi họp sáng ngày 23/9/1969, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đọc diễn văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diễn văn một lần nữa khẳng định việc quyết tâm học tập Lời di chúc của Bác trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Mở đợt sinh hoạt học tập và làm theo Di chúc của Bác
Cụ thể hóa quyết tâm học tập Di chúc của Bác, ngày 26/9/1969, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 189-CP về việc mở đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, cách làm, biện pháp thực hiện cụ thể.
Trang 1 Chỉ thị số 173-CT/TW ngày 29/9/1969 của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Trang 1 Nghị quyết số 189-CP ngày 26/9/1969 của Hội đồng Chính phủ. |
Mỗi người lao động, mỗi cán bộ, công nhân viên Nhà nước thấm nhuần sâu sắc lời Di chúc, thể hiện tình cảm bằng hành động cách mạng trong sáng, nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực chủ động trong công tác, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đem hết sức lực và tài năng của mình để cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc.
Mỗi người cán bộ lãnh đạo, từ đồng chí Bộ trưởng đến cán bộ lãnh đạo cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc lời Di chúc của Hồ Chủ tịch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân, phải gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thương yêu cán bộ, công nhân viên, thương yêu Nhân dân, phát huy tinh thần tập thể, dân chủ, phê bình và tự phê bình, hết lòng hết sức giúp đỡ mọi người trong đơn vị làm việc hiệu quả nhất.
Các ngành, các cấp chính quyền phải làm tốt nhiệm vụ của mình, vận dụng và phát huy cao nhất sức mạnh lao động, tài nguyên quốc dân, sức mạnh bộ máy quản lý nhà nước.
Tổ chức cho cá nhân nghiên cứu kỹ Di chúc của Bác và các văn kiện, liên hệ, suy nghĩ và trao đổi theo nhóm, để mỗi người tự nói lên tình cảm của mình và hứa sẽ làm gì để thực hiện lời thề danh dự với Bác; mỗi người cần phải xác định được mục tiêu phương hướng hành động của mình. Trong thảo luận, trao đổi ý kiến, anh chị em có thể phê bình và tự phê bình, đóng góp ý kiến với nhau và đề ra mục tiêu hành động cho sát, cho đúng, qua đó dìu dắt nhau cùng tiến bộ.
Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng, thủ trưởng các ngành, Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm chỉ đạo đợt sinh hoạt chính trị này trong phạm vi các tổ chức mình phụ trách và định kỳ báo cáo cho Hội đồng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thanh tra các cấp các ngành và báo cáo lên Hội đồng Chính phủ về hoạt động thanh tra của mình. Cuối năm, Hội đồng chính phủ sẽ tổng kết để phát huy kết quả và đẩy mạnh phong trào lên một bước mới vào đầu năm 1970…
Sách Di chúc của Chủ tịch của nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân mang theo trong chuyến bay vào vũ trụ của đội bay quốc tế Việt nam - Liên Xô, tháng 7/1980. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Tiếp đó, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Minh với yêu cầu:
Tổ chức toàn thể đảng viên và nhân dân thảo luận Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điếu văn và Lời kêu gọi của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…. qua đó nâng cao lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu vươn lên. Các cơ sở Đảng ở các xí nghiệp, hợp tác xã, khu phố, trường học, bệnh viện... Chi bộ Đảng sinh hoạt riêng, sau đó sinh hoạt chung cho toàn thể cán bộ, nhân viên và nhân dân. Trong Chi bộ Đảng cũng như trong quần chúng, khi thảo luận Di chúc cần liên hệ với tư tưởng và hành động của mình, của đơn vị mình và có quyết nghị cụ thể…
Tổ chức một đợt thi đua thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân từ thời điểm mở đợt sinh hoạt cho đến hết năm 1969, nhằm thực hiện tốt khẩu hiệu biến đau thương thành hành động cách mạng, phấn đấu đạt thành tích trong công tác xây dựng Đảng, trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ tiền tuyến, tổ chức đời sống nhân dân. Các cấp, các ngành cần có kế hoạch lâu dài thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần chú trọng chấn chỉnh công tác lãnh đạo và tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy tính dân chủ, đảng viên cần tiếp tục nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng theo tinh thần của đợt sinh hoạt…
Như vậy, chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Hội đồng Chính phủ đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng học tập, làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch. Đợt sinh này không chỉ tác động mạnh mẽ lên sự nghiệp cách mạng nước ta lúc bấy giờ, mà còn có giá trị thực tiễn với cách mạng nước ta sau này.