Với những vị trí quan trọng trong một cơ quan, đơn vị như quản lý nhân sự, thủ quỹ, kế toán… nếu người đứng đầu hoặc cấp phó bổ nhiệm người thân của mình sẽ bị kỷ luật cách chức.
Nội dung này được nêu rõ trong chương X của Nghị định 59 (hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng), quy định về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng.
Theo đó, việc xác định và xử lý trách nhiệm sẽ căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng như ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Cách chức lãnh đạo bố trí người thân vào những vị trí “chủ chốt”
Quy định về xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, nghị định nêu rõ việc áp dụng hình thức khiển trách đối với người lần đầu có hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cảnh cáo đối với người đã bị kỷ luật về các hành vi trên nhưng vẫn tái phạm; hoặc người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong và nước ngoài về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
Hình thức cách chức hoặc buộc thôi việc được áp dụng đối với người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác; người thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp và công ty tư nhân.
Với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ bị kỷ luật cảnh cáo.
Mức kỷ luật cao hơn là cách chức được áp dụng trong trường hợp người lãnh đạo đã bị kỷ luật cảnh cáo về hành vi trên nhưng vẫn tái phạm.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện quản lý, hoặc để vợ, chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề mình trực tiếp quản lý cũng sẽ bị kỷ luật cách chức.
Tham nhũng ít nghiêm trọng nhưng xảy ra nhiều vụ, người đứng đầu bị cảnh cáo
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Hình thức khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.
Hình thức cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Hình thức cách chức được áp dụng nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.