"Theo chúng tôi được biết, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành liên quan tới vụ việc khăn lụa Khải Silk" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Chiều 31.5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5.
Tại đây, cơ quan báo chí đặt câu hỏi, tháng 12.2017, Bộ Công Thương đã có kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khải Silk, trong đó có nêu những sai phạm của doanh nghiệp này. Xin hỏi hiện nay kết luận xử lý những sai phạm của doanh nghiệp này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường mà trực tiếp là Cục Quản lý thị trường lúc đó đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khải Silk tức là “Made in Việt Nam”.
Sau đó chúng tôi đã lập biên bản, tiếp tục mở rộng việc kiểm tra, thành lập một tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc, kiểm tra trên toàn bộ hệ thống của Khải Silk.
Có thể thấy, có rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự, tức là giả mạo xuất xứ và chúng tôi đã ban hành các hồ sơ liên quan đến các hành vi vi phạm của Khải Silk.
“Ngày 30.10.2017, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã chuyển những hồ sơ này sang Công an TP. Hà Nội.
Theo chúng tôi biết thì Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, vào cuối năm 2017 một khách hàng người Việt bức xúc khi mua một lô hàng 60 khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk (113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đã phát hiện một sản phẩm trong đó vừa có mác "Khaisilk Made in Vietnam", vừa có mác "Made in China". Khách hàng này toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.
Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.